theo dõi

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Kỷ niệm 30/04/2013

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói về hòa hợp và hòa giải dân tộc

“Hàn gắn vết thương chiến tranh đòi hỏi giải quyết hòa hợp dân tộc như một thách thức lớn của thời hậu chiến.” Đó là tâm sự của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, khi trò chuyện cùng phóng viên về chủ đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. 
Năm 1972, giữa lúc chiến sự ở Việt Nam đang rất nóng bỏng, bà đã quyết định rời Pháp để về sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Điều gì đã thôi thúc bà trở lại?
Năm 1964, tôi đi Pháp du học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh), sau đó dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Paris. Tại Pháp, tôi đã tham gia phong trào phản chiến đang diễn ra rất sôi nổi nơi đây.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh


Lúc đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cần huy động lực lượng trí thức cho mặt trận ở vùng thành thị. Khi phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đặt vấn đề thì tôi - hiển nhiên không chút do dự - đã rời bỏ cuộc sống ổn định ở Pháp để về nước. Có người nói đó là cuộc sống êm dịu nhưng thực sự không chính xác, tôi đi Pháp theo học bổng của chính phủ Pháp nên chi phí cho sinh hoạt hạn hẹp, chỉ vừa đủ sống một cách dè dặt, chứ không phải dư dả.
Khi về nước, tôi dạy ở Đại học Sư phạm Sài Gòn. Cho đến năm 1978, tôi có dịp gặp lại Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Xuân Thủy - người đã từng biết tôi trong thời gian Hội nghị Paris (1968-1973) và theo lời khuyên của ông, tôi về làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương ở Hà Nội. Rời bỏ giáo dục để về làm ngoại giao là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi đã dám nhận lấy trách nhiệm mới lạ nhưng đầy ý nghĩa đối với tôi. Cơ duyên này diễn ra một cách tự nhiên chứ không nằm trong chủ đích. Hơn thế tôi là người thích những cái mới mẻ, tôi nhận thức được con đường tôi chọn đầy thách thức nhưng không hề phiêu lưu.
Quyết định này của bà có liên quan đến lòng yêu nước, trách nhiệm công dân phải không, thưa bà?
Tôi chưa bao giờ muốn sử dụng những từ to tát ấy. Lòng yêu nước với tôi là một điều rất giản dị. Tại sao tôi dùng từ “hiển nhiên” trong quyết định của mình, đơn giản tôi là người Việt Nam, mà người Việt Nam sao có thể không yêu nước Việt Nam.
Bà và những trí thức yêu nước thuộc "thành phần thứ 3" đã có những hoạt động và đóng góp nhất định cho vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những đóng góp của bà và của "thành phần thứ 3" cho vấn đề đó?
Khi chuyển sang làm đối ngoại, có thể nói trong công việc của tôi đụng nhiều tới vấn đề hòa hợp dân tộc.
Chuyển sang làm đối ngoại, làm việc với nhiều khách nước ngoài, tôi vẫn thường nói với họ rằng hầu hết các gia đình người Việt Nam đều phải gánh chịu nỗi đau chia cắt 
Bắc – Nam, rồi rất nhiều người đã chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ. Ở đó, họ sống trong định kiến thời chiến tranh không dễ gì phá bỏ. Đó thực sự là bi kịch, là thực tế nghiệt ngã của chiến tranh. Thậm chí tôi từng nói với khách Mỹ, điều làm cho tôi cảm thấy thiệt hại cho đồng bào tôi còn hơn cả bom đạn đó là sự chia cắt đất nước và chia rẽ dân tộc.

Đây cũng là điều đáng giận nhất khi tôi nghĩ về tội ác của những thế lực gây chiến. Tôi nói giận, tôi nói phẫn nộ chỉ để tránh dùng từ “hận” mà thôi. Tôi nhận thức được vấn đề hòa hợp dân tộc là một thách thức lớn của thời hậu chiến.
Vấn đề hòa hợp dân tộc là giữa một số người từng theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam và những người Nam Bộ tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc. Tất cả đều là nhân dân của một nước nhưng lại bị ngăn cách bởi bức tường định kiến của bên gây chiến xây nên. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để góp phần của mình trong việc kéo 2 bên lại gần nhau. Khi làm việc đó, tôi vẫn quan niệm sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước là chính nghĩa nhưng tôi muốn truyền tải một thông điệp, rằng chiến tranh đã qua đi, phải hàn gắn vết thương chiến tranh, phải hòa hợp dân tộc vì sự thực chúng ta là một dân tộc.
Đã đến lúc cần nhìn nhận mọi chuyện một cách trung thực, thẳng thắn, khách quan và công bằng. Hận thù quốc gia đã có thể phá bỏ, thì cớ gì đồng bào trong một nước lại kỳ thị, bài xích nhau.
Sau hòa bình, là một chính khách đồng thời là một nhà ngoại giao gây được nhiều tiếng vang và thiện cảm đối với cộng đồng quốc tế, bà đã tranh thủ "thời cơ vàng" ấy như thế nào trong việc vận động hòa hợp và hòa giải dân tộc?
Tôi tôn trọng sự thật khách quan và luôn cố gắng công bằng.
Về các sự kiện ngoại giao quan trọng tôi đã từng tham gia thì báo chí đã đề cập nhiều. Tôi chỉ xin chia sẻ một kỷ niệm. Có một lần, lúc đó tôi là đại biểu quốc hội, đưa thêm 2 đại biểu, cùng với 2 học giả đi đến các trường đại học ở 8 tiểu bang và 11 thành phố để lắng nghe suy nghĩ của người Việt định cư tại Hoa Kỳ và trao đổi chân thật với họ.
Khi tới Chicago các nhóm cực đoan bắt đầu lên tiếng phản đối, tới chặng cuối cùng ở Đại học San Diego, California, các nhóm cực đoạn thuê 2 xe du lịch lớn đưa người tới phản đối bài phát biểu của tôi. Lúc đó dù tích cực nỗ lực đối thoại, tôi đã cảm thấy có một “bức tường vô hình” khó lòng phá bỏ. Bởi tôi nhận thức rõ trên thực tế họ cũng chẳng muốn nghe vì họ sống với định kiến quá lâu, và với họ, bất cứ lời nói cử chỉ nào từ “phía giải phóng” cũng đều mang tính chất thù địch, chỉ là “tuyên truyền cộng sản”, phải ‘thẳng thừng’ bác bỏ.
Tại buổi nói chuyện, một số con em của đồng bào Việt Nam tại Mỹ đã lên phát biểu với nội dung “kể tội Việt cộng”. Đáp lại những lời lẽ đó, tôi đã nói: Nếu bắt đầu kể tội xem ai tội nhiều hơn ai thì quả là ấu trĩ. Chúng ta hãy để lại ký ức đau thương ở lại trong quá khứ. Chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách công bằng hơn, khách quan hơn. Nếu muốn kể tội trước hết các vị hãy nghĩ đến vụ thảm sát hàng loạt hơn 500 dân thường không có vũ khí tại thôn Mỹ Lai (Quảng Ngãi), rồi địa ngục trần gian – Côn Đảo. Tôi không muốn kể lể vì tôi không còn muốn nhắc tới quá khứ đau buồn đó. Chúng ta cần tương lai, và đang sống vì nó, thế nên hãy chấm dứt ngay việc tính toán xem bên nào chết chóc nhiều hơn, đau khổ nhiều hơn. Về tình người, không nên nói người Việt bên này thắng người Việt bên kia. Bởi nỗi đau chiến tranh là nỗi đau chung của tất cả những người Việt Nam. Tôi có suy nghĩ rằng nếu tiếp tục để hiềm khích hai phe chia rẽ dân tộc thì hóa ra 
phía gây chiến cuối cùng đã thắng và bên thua là toàn bộ dân tộc Việt Nam.
Chiến tranh đã gây quá nhiều mất mát cho cả hai bên, kể cả cho những người ở “giữa”, vấn đề hòa giải dân tộc vô cùng khó khăn, vô cùng nhạy cảm, phải rất nhạy bén, đặc biệt phải bản lĩnh mới có thể làm tốt. Nhưng đây là việc hết sức ý nghĩa và thiết yếu phải làm.
Bà là một người quan tâm đến việc xây dựng "Thương hiệu Quốc gia". Xin bà cho biết quan điểm của bà về định hướng ngoại giao của Việt Nam sắp tới?
Việc Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các tổ chức đa phương khu vực và toàn cầu tạo cho nước ta một vị thế mới mà ta có thể phát huy trong mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn. Việt Nam đã chứng tỏ là một thành viên năng động và có trách nhiệm, quan tâm đóng góp cho lợi ích chung của các diễn đàn và tổ chức khu vực và quốc tế, tạo được sự tin cậy nhất định. Điều này đặc biệt mang tính thời sự trong bối cảnh của sự chuyển dịch các mối tương quan cũng như một số biến động tại Đông Á và Đông Nam Á. Xu thế chung ủng hộ Việt Nam đảm nhận một vai trò rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn đang là lợi thế của ngoại giao Việt Nam.
Còn việc thực hiện như thế nào, điều này cần có sự đột phá trong chiến lược phát triển toàn diện của nước ta.
Xin cảm ơn bà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét