theo dõi

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Hãy trở về để thấy và tin vào sự thật


QĐND - Trong suốt 36 năm trước khi trở về quê hương lần đầu tiên, Tổng biên tập
 kiêm nhà báo Việt kiều Nguyễn Phương Hùng của trang web hải ngoại kbchn.net
thừa nhận, đó là quãng thời gian ông mù tịt thông tin về tình hình đất nước và
 đã không ít lần tham gia các cuộc biểu tình chống đối Việt Nam ở Mỹ. Nhưng sau
lần đầu trở về quê hương, ông đã thay đổi hẳn cách nhìn về Việt Nam. Chia sẻ với
 phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hùng đã tâm sự nhiều câu chuyện trong
hành trình “trở về” nguồn cội...

Vượt qua quá khứ nặng nề
- Xin ông cho biết ông đã trở về Việt Nam bao nhiêu lần?
- Lần đầu tiên tôi về nước là vào tháng 9-2011 để dự Hội nghị Người Việt Nam ở
 nước ngoài lần thứ nhất. Từ đó đến nay, tổng cộng tôi đã trở về 6 lần trong 18 tháng.
 Lần nào về tôi cũng chụp rất nhiều ảnh, quay những thước phim phóng sự, tư liệu…
 rồi đưa lên trang web kbchn.net.
- Vậy trước đây cũng như hiện nay, trang web của ông tập trung vào những nội dung gì?
- Từng là một cựu quân nhân dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa nên tôi muốn lập ra
 một trang web để lưu giữ và ghi lại lịch sử của những người lính dưới chế độ này.
 Nhưng giờ đây, hai phần ba tin tức của trang web là các tin trong nước, có thể do
tôi tự viết hoặc chọn lọc đăng lại của báo chí trong nước.
- Ông có thể cho biết do đâu ông quyết định thay đổi như vậy?
- Ngay lần trở về đầu tiên đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Tại sao mình mãi ám ảnh,
than vãn về quá khứ để cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì, trong khi đất
nước Việt Nam đã và đang có rất nhiều sự thay đổi? Thực sự tôi đã bị bất ngờ
trước những hình ảnh thực của đất nước sau 36 năm lưu lạc, không như những gì
tôi hình dung và tưởng tượng.
Nhà báo Nguyễn Phương Hùng. Ảnh: Xuân Phong.
Thực tế, suy nghĩ của tôi đã bắt đầu có chuyển biến từ năm 1995, sau khi Tổng thống
 Mỹ Bin Clin-tơn dỡ bỏ cấm vận chống Việt Nam. Khi đó, tôi đã viết một lá thư cho ông
 Bin Clin-tơn, trong đó đặt câu hỏi người Mỹ quan niệm thế nào là nhân quyền? Mỹ đã
 công nhận Việt Nam là nơi có nhân quyền hay sao mà đã giải tỏa cấm vận? Tôi đã nhận
 được câu trả lời rằng chủ trương của nước Mỹ là họ muốn đặt vấn đề liên kết tất cả các
nước trên thế giới. Từ đó, tôi nghĩ rằng như vậy là người Mỹ đã công nhận Việt Nam là
 một quốc gia trong cộng đồng thế giới. Tôi cũng nghĩ, dỡ bỏ cấm vận sẽ đem lại lợi ích
 cho chính người Mỹ và nhân dân Việt Nam. Vậy hà cớ gì mình là người Việt Nam lại quá
nặng nề với quá khứ và có những hành động đi ngược lại lợi ích dân tộc?
Bên Mỹ, sự thực là vẫn còn một bộ phận nhỏ cộng đồng người Việt mang tâm lý nặng
nề về quá khứ, thậm chí có suy nghĩ và hành động cực đoan và dường như với họ rất
 khó thay đổi. Nhưng tôi vẫn nghĩ, mình đã thay đổi được thì không lý gì họ lại không thể.
- Như vậy, phải chăng qua trang web của mình, ông mong giúp họ thay đổi cách nhìn?
- Tất nhiên là tôi rất mong được như vậy nhưng chưa dám nói hiệu quả tới đâu.
 Tôi không bình luận theo các chủ ý cá nhân của mình trong các tin, bài hay hình ảnh,
clip đưa trên web. Tôi chỉ đưa một cách khách quan, trung thực những hình ảnh
 đổi mới ở Việt Nam, những hình ảnh đất nước đang trong quá trình xây dựng và phát
 triển, cùng những thành công của giới trẻ…
Chúng tôi thống kê, kbchn.net có lượng độc giả tại Mỹ nhiều gấp 5 lần trong nước.
 Điều đó chứng tỏ cộng đồng Việt kiều bên Mỹ cũng rất quan tâm tìm hiểu đất nước.
Lời nhắn: “Ai chưa về Việt Nam hãy về một lần cho biết”
- Vậy theo ông, tại sao ở Mỹ vẫn có một bộ phận cộng đồng mang tâm lý chống lại 
đất nước và có các hành động phá hoại trong nước?
- Từng là người trong cuộc, tôi hiểu rất rõ nội tình chuyện này. Trong bộ phận nhỏ
 cộng đồng chống đối hiện nay phần lớn là những người đã cao tuổi, không thạo về
 máy tính hay Internet nên việc cập nhật thông tin về tình hình đất nước hạn chế.
Họ đã bị hướng dẫn sai lạc để hiểu lầm về tình hình đất nước. Cộng thêm những
 tư tưởng cực đoan, lỗi thời nên càng dễ để bị lừa gạt bởi các trò xuyên tạc sự
 thật mang mục đích chính trị.
Lý do quan trọng nữa là những người này chưa một lần trở lại đất nước nên càng bị
 “mù lòa” trước sự thật. Như trường hợp của tôi, nếu không có lần về Việt Nam
 tháng 9-2011, có lẽ tôi sẽ không bao giờ mở mắt thấy được thực tế tình hình đất nước.
Khi trở lại Mỹ, nhiều người đã không tin những gì tôi nói, những gì tôi đưa lên trang web.
Họ còn cho tôi là ngụy biện để che đậy hoặc biện minh cho hành động mà họ gọi
là “phản bội” cộng đồng. Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại coi việc tôi quay trở về
 với cội nguồn dân tộc, với đại đa số đồng bào là sự “phản bội”.
Nhưng rồi dần dần qua những chuyến đi sau này, với sản phẩm là những bức ảnh,
thước phim video và bài viết của tôi, đã có nhiều người bắt đầu tin và cũng báo tin cho
tôi là họ đã về Việt Nam như lời kêu gọi của tôi: “Ai chưa về Việt Nam hãy về một lần
cho biết” trên kênh truyền hình VTV4. Qua Báo Quân đội nhân dân, tôi cũng xin gửi lại
lời nhắn nhủ này tới kiều bào ở hải ngoại. Bà con hãy trở về và tự mình tìm câu trả lời,
 chứ đừng tin vào những lời kể lại đã bị bóp méo nhằm mục đích tuyên truyền sai trái,
 phản động về đất nước. Cũng có nhiều phản hồi từ độc giả khuyến khích, động viên
 tôi tiếp tục những gì đang làm trên kbchn.net.
- Có cơ hội đi nhiều nơi ở Việt Nam, ông có suy nghĩ gì khi một số tổ chức phản động
 lưu vong ở Mỹ luôn đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam?
- Ở bên kia chúng tôi cũng bị họ tuyên truyền là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo,
dân chủ và nhân quyền nhằm lôi kéo nhiều người tham gia các hoạt động chống phá
 trong nước. Tôi thừa nhận mình đã bị ít nhiều tác động. Nhưng đó là chuyện trước đây.
 Những tuyên truyền về “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam đã hoàn toàn biến mất trong
tôi khi về nước, tôi được chứng kiến kiến trúc đồ sộ của Đại Chủng viện (Công giáo)
 Long Khánh hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình được công nhận là lớn nhất ở khu vực
Đông Nam Á. Làm sao có thể tin có đàn áp tôn giáo khi ở nhiều nơi tôi đi qua, rất nhiều
chùa chiền, nhà thờ được xây dựng dọc bên đường Quốc lộ 1 từ ngã tư Tam
 Hiệp đến Long Khánh, với những buổi thánh lễ ngày chủ nhật giáo dân đứng chật
thánh đường, người dân tấp nập thăm viếng chùa chiền... Các tôn giáo như Phật giáo,
Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài và Hồi giáo tự do phát triển ở Việt Nam. Lễ Phật
đản vừa qua tôi cũng có mặt tại Việt Nam nên đã được chứng kiến khắp nơi tưng bừng
 mừng Đức Thích Ca đản sinh. Ngoài tôn giáo, tín ngưỡng cũng được tự do phát triển,
 thí dụ hầu đồng đã được phép tái hoạt động.
Tôi đã đi, đã thấy, đã tin và vì đã tin nên tôi phải viết, viết sự thật bằng tiếng nói
trung thực của người làm báo. Những hình ảnh đó tôi đã đưa hết lên trang web rồi
nhưng tôi cũng không bình luận gì thêm để tự mọi người nhìn vào đó và suy ngẫm
 xem Việt Nam có tự do tôn giáo hay không.
Tôi khâm phục!
- Ở Mỹ vẫn tồn tại một số tổ chức phản động luôn rêu rao Việt Nam đàn áp nhân quyền. 
Vậy thực chất hoạt động của các tổ chức này ở bên đó là như thế nào?
- Tôi công khai lên án tất cả những tổ chức chống đối Nhà nước Việt Nam như Chính phủ
 Việt Nam tự do của ông Nguyễn Hữu Chánh, Việt Nam cộng hòa Foundation của
Hồ Văn Sinh, tổ chức Việt Tân… Hay các tổ chức đòi tự do tôn giáo, dân chủ nhân
 quyền ở Việt Nam của linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Ngô Thị Hiển… Và nhất là tổ chức Mạng
lưới nhân quyền Việt Nam.
Thực ra, những tổ chức này không gây được ảnh hưởng đáng kể cho cộng đồng bên đó.
 Như tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã tự trao giải nhân quyền cho toàn
 những người chống phá Nhà nước Việt Nam để được xuất ngoại, do Việt Tân bảo trợ.
Các tổ chức này luôn tìm cách đề nghị Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các quốc gia
 cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC). Nhưng tôi còn nhớ, có lần chính ông
Đại sứ Mỹ trước đây là Mai-cơn Mi-ha-lắc (Michael Michalak) đã nói rằng: “Muốn đặt một
 quốc gia vào danh sách CPC đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi không thấy chúng ta có lợi
 ích gì trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách này”.
Tựu trung các hành động phản động đó đều nhằm nuôi tham vọng gây mất ổn định
 tình hình trong nước, làm suy yếu và lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản…
Hiện nay họ đang tích cực xúi giục người thiếu thiện chí trong nước đòi bỏ Điều 4
trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thậm chí đòi bỏ cả bản Dự thảo
 sửa đổi Hiến pháp.
Theo tôi biết, họ sống dựa vào tiền của những thế lực thù địch với Việt Nam,
 nên cần nói và hành động theo lập trường của các thế lực thù địch đó. Vì vậy họ buộc
 phải khoét sâu vào các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo… ở Việt Nam
 để có việc làm nhằm nhận được tiền.
- Ông suy nghĩ thế nào về những hành động này?
- Họ không chịu hiểu một thực tế rằng, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo
đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn sau chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng,
đất nước Việt Nam có thể nói đã có được thời gian hòa bình lâu dài và có sự
phát triển gần như “lột xác”. Đó chính là nhờ Việt Nam đã giữ được chính trị ổn định,
 tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, đời sống người dân được bảo đảm, vị thế của
 Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, được nhiều nước công nhận.
Ở Việt Nam, tôi không gặp lực lượng quân đội hay cảnh sát có vũ trang trên đường như ở Mỹ.
Điều đó chứng tỏ sự ổn định về an ninh chính trị ở Việt Nam, sự an toàn của người
 dân được bảo đảm. Như thế chính là thiết thực bảo đảm nhân quyền cho người dân.
Tôi thực sự khâm phục về khả năng điều hành đất nước của Nhà nước Việt Nam trong
 hơn 3 thập niên qua. Tôi đã nhìn thấy những tòa nhà cao tầng từ những thành phố tôi
 đi qua như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Long Khánh và Cần Thơ
cũng như các thành phố khác của miền Tây Nam Bộ, cùng những khu resort sang
trọng ở Đà Nẵng… Tôi chưa có cơ hội đi hết những nơi khác ở Việt Nam, nhưng tôi tin
 rằng cũng đã có nhiều đổi mới.
- Xin cảm ơn ông!
MỸ HẠNH-XUÂN PHONG 
Nguồn:QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét