theo dõi

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

21/6 : PHỎNG VẤN NGUYỄN THẾ KỶ PHÓ BAN TUYÊN GIAO TRUNG ƯƠNG



Ông Nguyễn Thế Kỷ - P. Trưởng ban tuyên giáo TW

“Đã và đang xuất hiện một kiểu, thậm chí là xu hướng làm báo đáng lo ngại, cả về góc độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Ở ta và cả nước ngoài, người ta gọi là “trồng cải”, bán báo “lá cải”, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ nhân dịp 21/6.

Ở ta, báo có “sinh” nhưng hầu như không có “tử”

- Thưa ông, báo chí, nhất là báo in, đang lâm vào tình cảnh khó khăn là điều quá rõ, và điều cũng rõ nữa là, do hệ thống (và thị trường) báo chí của ta thực hiện việc quy hoạch và kế hoạch phát triển chưa tốt nên khi khó khăn, những yếu kém, bất cập cứ lộ ra. Ông có thể nói rõ về tình trạng này?



- Suy thoái kinh tế đang tác động vào mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí, đặc biệt với báo in. Để bám trụ hoặc vượt lên, mỗi ban biên tập, ban giám đốc báo, đài đều tìm cách đi riêng; cố gắng tạo dựng một khuôn mặt, giọng điệu, phong cách; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức; cung cấp (cũng có thể gọi là “bán”) cho công chúng, cho khách hàng cái mà họ cần, từ đó thu hút quảng cáo, tài trợ, hợp tác...

Hiện chúng ta có khoảng 17.000 nhà báo chuyên nghiệp.

Với số lượng trên 800 cơ quan báo chí, hơn 1.000 ấn phẩm, kênh sóng trong cả nước, cuộc cạnh tranh của làng báo chí Việt Nam trong bối cảnh khó khăn này càng gay gắt, mà nếu không có nguồn hỗ trợ hoặc Nhà nước hoặc doanh nghiệp và các lực lượng xã hội khác thì khó đứng vững và phát triển.

Ở các nước, tình hình báo chí có nhiều điểm khác với ta, sự cạnh tranh của họ cũng sinh tử hơn ta; hằng tuần, thậm chí hằng ngày, báo chí họ “có sinh có tử”. Kinh tế khó khăn, số báo, đài “khai tử” càng nhiều. Ở ta, báo có “sinh” nhưng hầu như không có “tử”, không có cơ quan chủ quản hay ban lãnh đạo báo, đài xin tự đình bản, xin chấm dứt hoạt động. Đã tăng về số lượng theo cách cơ học thì cũng dễ giảm về chất lượng theo cách tương tự. “Chiếc bánh” quảng cáo, tài trợ, về cơ bản không to thêm, do đó, càng đông thành viên, “nhà đông con”, càng túng thiếu, thậm chí đói.

Trước tình hình này, cơ quan quản lý báo chí thấy rằng phải làm tốt hơn, rà soát lại quy hoạch và kế hoạch phát triển báo chí. Rà soát, đánh giá thật nghiêm túc, khoa học, khách quan xem ngành nào, địa phương nào, được phép (nên) ra báo, đài, tạp chí.
Hiện nay, có ngành lẽ ra chỉ cần tờ tin thì lại ra tạp chí, có ngành chỉ cần ra tạp chí lại xin ra báo, rồi đáng lẽ chỉ cần ra tuần báo thì họ lại đề nghị được phát hành 3-5 số báo/tuần... Tình trạng chạy theo số lượng kéo theo sự giảm sút về chất lượng, mà nội dung không hay, không hấp dẫn thì giảm người đọc, người xem, người nghe, dẫn tới phát hành không nhiều, phủ sóng không rộng.

Viết về cái gì, viết như thế nào là cả một “đại vấn đề”

- Theo đánh giá của ông, đội ngũ nhà báo đã đáp ứng được đòi hỏi của công việc trong tình hình hiện nay?

- Hiện chúng ta có khoảng 17.000 nhà báo chuyên nghiệp. Số nhà báo sinh ra và hoạt động thời kháng chiến chống Pháp gần như đã khuất núi. Số nhà báo sinh ra và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ phần lớn đã nghỉ hưu. Bộ phận đông đảo nhất sinh ra, học hành, làm báo từ năm 1975-1976 đến nay. Bộ phận thứ ba vừa nêu được đào tạo khá chính quy, bài bản, nhưng suy cho cùng, họ chủ yếu học nghề báo, nắm khá vững kỹ năng làm báo, nhưng viết về cái gì, viết như thế nào là cả “đại vấn đề”.

 Khảo sát kỹ hơn cho thấy: Khoảng 45% số phóng viên, biên tập viên tốt nghiệp các trường đại học về báo chí. Ngay tại các trường đại học có đào tạo ngành báo chí, sinh viên học lý thuyết là chủ yếu, ít có điều kiện thực hành. Vốn kiến thức, tri thức về nghề báo còn một khoảng cách khá xa so với thực tiễn đời sống báo chí. Điểm yếu kém rõ nhất của đội ngũ phóng viên, biên tập viên là nhận thức, tư duy chính trị của khá nhiều người còn đơn giản, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, ngại học chính trị, ít am tường về luật pháp; một số người coi nghề báo chỉ là nghề làm công ăn lương thuần tuý như các nghề khác.

 Trong nghề báo, đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức rộng, sâu, hiểu biết, am tường về nhiều lĩnh vực, có tầm văn hóa, phông tri thức, có ý thức và sự nhạy cảm chính trị - vì làm báo là làm chính trị. Đồng thời, mỗi nhà báo phải có hiểu biết sâu, rộng về mảng đề tài chính được phân công theo dõi. Nếu chỉ có kỹ năng viết báo, làm báo mà không có kiến thức chuyên sâu những lĩnh vực vừa nêu thì khó có bài báo hoặc chương trình hay, sắc, chắc, thu hút bạn đọc; đó là chưa nói đến nguy cơ sai sót, hời hợt, phiến diện, kiểu “thầy bói xem voi”...

 Làm báo “lá cải”, mất nhiều hơn được

 - Thưa ông, trong bối cảnh suy thoái hiện nay, một số tòa soạn đang phải vất vả bươn chải để tồn tại, phát triển và điều này dẫn tới không ít tờ báo phải chạy theo thị hiếu tầm thường, bị thương mại hóa… ông đánh giá việc này thế nào?

 - Đúng là đã và đang xuất hiện một kiểu, thậm chí là xu hướng, làm báo đáng lo ngại, cả về góc độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đó là việc chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân câu khách chỉ nhằm bán được báo (và bán kèm quảng cáo). Ở ta và cả nước ngoài, người ta gọi là “trồng cải”, bán báo “lá cải”. Tôi nghĩ những người làm báo tự trọng, những cơ quan báo chí tự trọng, nếu có mắc phải chuyện đó thì phải điều chỉnh ngay, không nên để kéo dài và nặng thêm như thế.

 Người làm báo, các cơ quan báo chí, khi nói về nghề thường hay đề cập tới trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp... đấy là những từ có thể nói rất đẹp, rất cao cả, nhưng để đạt được những điều cao cả như thế thì trước hết phải có lòng tự trọng, tự tôn, phải tôn trọng thể diện của mình, tôn trọng thể diện tờ báo, tạo nên thương hiệu tờ báo của mình, không nên để tờ báo của mình là một thứ hàng hóa tầm thường chỉ để rao bán trên đường bằng chuyện cướp, giết, hiếp... để người ta mua báo. Tôi tin là, có bán được báo cho số người mua như thế thì khoản tiền cơ quan báo chí thu được có lẽ cũng không lớn. Nhưng cái mà tờ báo mất đi thì lớn. Mất trước mắt, mất lâu dài.

 Cũng có người đặt câu hỏi “báo thị trường” có xấu không? Có thể không xấu vì vẫn có một bộ phận độc giả chấp nhận nó? Về vấn đề này, theo tôi, báo giới chúng ta nên có cách nhìn nhận bình tĩnh, nghiêm túc. Cơ quan báo chí tạo ra sản phẩm, sản phẩm này cũng có một số thuộc tính hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt, hàng hóa đặc thù. “Sản phẩm hàng hóa” đó là tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lý tưởng, thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật. Báo chí có nhiệm vụ và thiên chức là bảo vệ, đề cao chân, thiện, mỹ; đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, kể cả yếu tố ngoại lai kệch cỡm phi văn hóa.

 Chỉ đạo báo chí phải có lý có tình, tránh áp đặt

 - Ông có thể cho biết, những đường hướng quy hoạch ngành báo chí sắp tới?


 - Về mặt phương châm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí cần kịp thời nhưng phải đảm bảo tính khoa học, tính thuyết phục, có lý có tình, tránh áp đặt, mệnh lệnh, phải đạt tới sự tuân thủ một cách tự giác, triệt để của các cơ quan báo chí và những người làm báo.

 Về phương thức: Bên cạnh nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, Đảng cần tiếp tục xây dựng, bổ sung thêm các quy định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí xét thấy không cần thiết, nội dung trùng lặp, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc để sai phạm kéo dài. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí...

 Trân trọng cảm ơn ông.

Theo : Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét