theo dõi

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

GÓC NHÌN ĐA CHIỀU VỀ HAI PHƯƠNG ÁN TÊN NƯỚC



Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm
LTS: Theo kế hoạch, hôm nay 2-5, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) sẽ khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị lần này là thảo luận về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, trong đó có vấn đề hai phương án tên nước (giữ nguyên hay trở lại với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận với những lập luận, đề xuất khác nhau trong giới chuyên gia thời gian qua. Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu một số ý kiến với mong muốn góp phần làm sáng rõ các quan điểm xung quanh vấn đề hệ trọng này.
Trong hàng triệu ý kiến đóng góp của người dân về sửa đổi Hiến pháp (HP) có một nội dung rất quan trọng - tên nước - tập trung ở hai luồng ý kiến: Giữ nguyên như hiện nay - Cộng hòa XHCN Việt Nam, hay trở lại với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ý kiến của nhân dân đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP 1992 tiếp thu và thể hiện thành hai phương án trong bản dự thảo sửa đổi HP tiếp thu ý kiến nhân dân, để tiếp tục thảo luận.
Bên nào cũng có lý lẽ, tình cảm
Với người dân, có lẽ kiến nghị lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra chủ yếu trên cơ sở tình cảm cũng như suy tưởng về lịch sử đất nước. Bởi lẽ với nhiều người, đây là tên gọi thiêng liêng, gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của Cách mạng tháng Tám. Tên gọi ấy đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Hồ Chủ tịch tuyên đọc ngày 2-9-1945 trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Tên gọi ấy gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - thống nhất non sông và cũng gắn với giai đoạn khó khăn hậu chiến, khi cả nước một lần nữa phải chống chọi với hai cuộc xâm lược ở biên giới phía Bắc, phía Tây Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu
Còn với nhiều người khác, Cộng hòa XHCN Việt Nam lại có ý nghĩa riêng khi nó được lựa chọn làm tên cho nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975 và được chính thức xác định về mặt pháp lý trong HP 1980 và HP 1992 hiện hành.
Nhưng lựa chọn tên nước thế nào không thể chỉ được thảo luận bằng tình cảm. Tên nước, được ghi trong HP, cần được nghiên cứu trên cơ sở lý luận chặt chẽ của chủ nghĩa HP. Ở góc độ ấy, tên nước trước hết phải phản ánh đúng chính thể mà quốc gia đó lựa chọn. Đây là cách đặt tên của 80% quốc gia, vùng lãnh thổ trên trái đất này.
Một đề xuất đáng cân nhắc
Trên thế giới, có hai hình thức chính thể cơ bản: quân chủ và cộng hòa.
Quân chủ là hình thức chính thể phổ biến của tổ chức nhà nước phong kiến, mà ở đó thần dân không có quyền hoặc quyền rất hạn chế trong tham gia việc nhà nước. Với sự phát triển của dân chủ, ở các nước như Anh, Nhật Bản, mặc dù vẫn giữ tên nước - chính thể là quân chủ nhưng trên thực tế vai trò của nhà vua (nữ hoàng) ngày càng trở nên hình thức, ở mức biểu tượng của quốc gia bằng nguyên tắc “trị vì nhưng không cai trị”.
Cộng hòa là hình thức chính thể phổ biến ở các nhà nước hiện đại, mà ở đó nhân dân được coi là chủ thể của quyền lực. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua bầu cử, hình thành nên nghị viện (quốc hội) và nguyên thủ quốc gia (tổng thống). Bên cạnh yếu tố “cộng hòa”, ở nhiều quốc gia, để nhấn mạnh bản chất dân chủ của thể chế và khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đã thêm yếu tố “dân chủ” vào tên nước.
Theo cách ấy, nhân dân Việt Nam, bằng Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, bằng tổng tuyển cử toàn quốc, bầu ra QH đầu tiên, ban hành HP năm 1946, đã lựa chọn tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với tên nước hiện tại - Cộng hòa XHCN Việt Nam - tiền tố “Cộng hòa” đã phản ánh đúng chính thể mà nhân dân đã lựa chọn. Tuy nhiên, với yếu tố XHCN trong tên nước thì có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng Cương lĩnh của Đảng ta xác định xã hội XHCN là một mô hình nước ta đang hướng tới, các đặc trưng của nó đang tiếp tục được nghiên cứu, làm sáng rõ hơn. Xây dựng xã hội XHCN là một tiến trình lịch sử lâu dài mà ở ta các văn kiện mới thể hiện ở mức “định hướng XHCN”. Gắn một nội dung chưa phải là hiện thực vào tên gọi quốc gia, quả thật đáng suy nghĩ.
Theo các ý kiến này, trở lại với tên gọi khai sinh của nước Việt Nam mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là điều đáng cân nhắc.
GS-TS Nguyễn Đăng Dung, thành viên Ban Biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
Nguồn:Pháp Luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét