Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng)
Số 147 – 4/2013Mai Mộng Tưởng *
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 22 – CT/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã tích cực tham gia vào các cuộc tổ chức lấy ý kiến của các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị trong cả nước. Hàng triệu lượt ý kiến tâm huyết với vận mệnh của đất nước đã được trao đổi thẳng thắn, dân chủ và cởi mở, mang tính chất xây dựng với mong mỏi sắp đến nước ta có một bản Hiến pháp mới hoàn chỉnh, thể hiện đầy đủ quyền và lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Đây là một đợt sinh hoạt chính trị có tầm cỡ lớn lao, có ý nghĩa sâu sắc đối với vận mệnh của đất nước. Từ vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của đợt sinh hoạt này mà nhiều người ví đây như là một “Hội nghị Diên Hồng thời mở cửa”. Quả không phải là quá lời, vấn đề thực hành quyền dân chủ của mọi người được thể hiện rõ nét trong việc tham gia ý kiến vào dự thảo bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến của mình trước từng câu chữ, Điều, Khoản, Chương của Hiến pháp năm 1992, đó là điều thật đáng quý, thật đáng trân trọng, cho dù ý kiến của ai đó chưa thấu tình, đạt lý, thậm chí đi ngược lại suy nghĩ đúng đắn của số đông, tất nhiên điều dễ thấy là do họ chưa nhận thức thật đầy đủ về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, mục đích yêu cầu của việc góp ý, sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này, thậm chí là họ chỉ biết “nói theo” sự “mớm mồm” của người khác, xét cho cùng thì họ không có chủ ý gì gọi là xấu xa, đáng trách.
Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy trên diễn đàn mạng xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề dân chủ trong đợt sinh hoạt chính trị này để ddwda ra những quan điểm sai trái, hoàn toàn không có tính xây dựng, nổi lên là việc một số người tự xưng là “…chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây… nói lên ý kiến để nhân dân ta có một Hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai…”. Theo đó, nhóm này công bố danh sách 72 người ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kèm theo “Dự thảo Hiến pháp 2013” (gọi là tài liệu để tham khảo, thảo luận), sau đây xin gọi tắt là Kiến nghị 72 (KN72). Người viết bài này lướt qua danh sách số người mà nhóm KN72 công bố, thì thấy phần lớn trong số đó là nhân sỹ, trí thức mà nhiều người đã từng có vị trí cao trong xã hội, và cũng có người đang tại chức. Từ “sự kiện lạ” này, nhiều người đặt câu hỏi: Có thật 100% số nhân sỹ, trí thức đã trực tiếp ký vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như nhóm KN72 công bố? Theo ý kiến của những người có trách nhiệm và tâm huyết đối với sự kiện chính trị quan trọng này, thì phải có một cuộc họp đủ mặt cả 72 vị nhân sỹ, trí thức có tên trong danh sách của nhóm 72 đưa ra, mới minh chứng “hai năm rõ mười” về việc ký tên kiến nghị sửa đổi Hiến pháp như nới ở trên.
Trở lại nội dung những kiến nghị của nhóm KN72, mới đọc qua thì ai cũng nghĩ đó là ý kiến rất tâm huyết với đất nước, có giá trị thực tiễn và khách quan của nhóm nhân sỹ, trí thức chân chính. Theo nhìn nhận của nhiều người, thì bao hàm những kiến nghị đó là quan điểm sai trái mà lâu nay một số người thuộc nhóm bất mãn chế độ, cơ hội chính trị, phản động trong nước được sự hà hơi, tiếp sức của bọn cực đoan, phản động nước ngoài sử dụng như là một chiêu bài hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta. Có nhiều nội dung do nhóm KN72 đưa ra theo quan điểm riêng có vẻ tâm huyết với đất nước của họ, nhưng tựu trung vẫn là những vấn đề cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến pháp, với lý lẽ vừa hết sức ngụy biện, vừa suy diễn một cách tùy tiện, có tính công kích, nói xấu Đảng ta không hơn, không kém. Ai cũng hiểu rất rõ rằng, lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận toàn bộ quá trình thực thi nội dung các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, đều gắn liên với những thắng lợi to lớn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, điều đó cho thấy rất rõ Đảng ta đã, đang và chắc chắn sẽ thể hiện đầy đủ vai trò là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây là sự thật lịch sử hoàn toàn không thể phủ nhận. Do vậy việc đòi xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp là một hành động xét về mặt đạo lý thuần túy khác gì là vô ơn, bội nghĩa cần phải lên án mạnh mẽ, một thái độ như vậy đã gây phẫn nộ hơn lúc nào hết cho những ai biết chuyện, chắc chắn những nhân sỹ, trí thức chân chính đáng kính của chúng ta không có lối hành xử thiếu nhân văn như vậy!
Thứ hai, đòi phân chia sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, bằng cách yêu cầu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập (như tại Điều 9, Chương I về Đảng phái chính trị của cái gọi là “Dự thảo Hiến pháp năm 2013” do nhóm KN72 đưa ra) với lập luận theo lối “ru ngủ” những ai nhẹ dạ mất cảnh giác như: “Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước”. Rồi nhóm mạo xưng này lại dám khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: “Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận”. Với thái độ hết sức cầu thị, Đảng ta đã từng nghiêm túc thừa nhận rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng có lúc phạm phải những sai lầm, khuyết điểm. Nhưng những sai lầm, khuyết điểm ấy chỉ là nhất thời, Đảng đã sớm nhận ra và bằng quyết tâm chính trị của mình nhanh chóng tìm các giải pháp khắc phục, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước cho đến nay, đã 38 năm trôi qua, cách mạng Việt Nam chỉ có duy nhất một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã đưa đất nước ta phát triển lớn mạnh toàn diện, nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, khó khăn thiếu thốn trăm bề, đã vươn lên mạnh mẽ thoát ra khỏi nhóm các nước nghèo của thế giới, để trở thành một quốc gia đang phát triển sánh vai xứng đáng cùng bầu bạn năm châu, nhân dân ta thật sự có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc được nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ và thán phục, thì chẳng việc gì phải có nhiều đảng phái để rồi đấu đá xâu xé, tranh giành nhau quyền kiểm soát xã hội, rồi xảy ra nội chiến như nhiều nước ở quanh ta và trên thế giới đang hàng ngày phải đối mặt với chết chóc, đau thương và mất mát, mà người phải gánh chịu hậu quả thiệt thòi không ai khác, chính là nhân dân.
Thứ ba, nhóm KN72 đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang (LLVT), với lập luận hết sức đơn điệu và lạc lõng là: “LLVT phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo…”. Sau đó, họ ngang nhiên tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định LLVT phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đòi hỏi phi lý này của nhóm KN72 thật là lố bịch. Ai cũng biết rằng, LLVT được sinh ra, làm nhiệm vụ là công cụ chuyên chính sắc bén đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sự tuyệt đối trung thành, hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng mà gần bảy thập niên qua, quân đội ta đã xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, thêu dệt nên truyền thống anh hùng, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và nhân dân Việt Nam, Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, là người Cha thân yêu của các LLVT nhân dân ân cần chỉ bảo: “Phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc LLVT cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào. Phải luôn luôn củng cố và tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, kiên quyết giữ vững chuyên chính đối với kẻ thù của dân tộc, của giai cấp và thực hiện dân chủ thật sự đối với nhân dân”(1). Theo đó, LLVT nói chung và quân đội nói riêng đã đánh thắng các đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh nhất của thế giới là Pháp và Mỹ. Truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một truyền thống trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc bền vững của nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Thực tế lịch sử cách mạng nước ta cho thấy, nếu không có LLVT tuyệt đối trung thành và bách chiến bách thắng thì liệu đất nước Việt Nam có được như hôm nay? Thực tiễn cách mạng thế giới cũng cho thấy, sự sụp đổ của Đảng Cộng sản và chính quyền của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, rồi đến câu chuyện sử dụng công cụ bạo lực nhằm giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, làm thất bại sự chống phá của chủ nghĩa tư bản bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ vào những năm 90 của thế kỷ trước, đều mang lại đáp số tất yếu từ sự nhìn nhận hết sức đúng đắn, đánh giá mang tính khoa học và thực tiễn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của LLVT nói chung và quân đội nói riêng của ban lãnh đạo các nước trên, và ngay ở Việt Nam chúng ta sau ngày hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo sâu sát, sáng tạo và kịp thời của Đảng, LLVT ta đã đánh tan quân xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vào những năm 1976-1979, bảo vệ toàn vẹn biên cương ở hai đầu Tổ quốc, sau đó là liên tiếp dẹp tan nhiều vụ bạo loạn mang màu sắc chính trị, do các thế lực thù địch trong nước cấu kết với bọn phản động nước ngoài thực hiện. Đó là những bài học xương máu, cảnh tỉnh cho chúng ta về sự trung thành vô hạn của quân đội đối với Đảng cầm quyền như Đảng ta. Hay nói cách khác rằng, LLVT Việt Nam cần phải luôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo, tuân thủ đường lối quân sự và phương châm chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta định hướng. Nếu thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng nghĩa với việc LLVT ta sớm hoặc muộn sẽ mất phương hướng chiến đấu, không xác định được đối tượng tác chiến, chắc chắn sẽ thất bại trên chiến trường, đó là điều chúng ta nhất quyết không để xảy ra. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Sự đoàn kết nhất trí giữa Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta trở thành một lực lượng vô cùng to lớn. Nó giúp ta vượt tất cả mọi khó khăn gian khổ. Nó rèn luyện cho chiến sỹ, cán bộ và đồng bào ta thành những người anh hùng”(2). Liên hệ với thực tiễn cách mạng Việt Nam để kiểm nghiệm lời nói ấy của Người quả không sai chút nào.
Chỉ nêu một số nội dung trong KN72 như phân tích ở trên, đủ thấy rõ bản chất ý đồ xấu xa của họ. Nhưng họ là ai?
Nhóm KN72 xướng danh: “…chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây…”, thật là một kiểu danh xưng vô thưởng vô phạt, bởi chắc chắn họ không làm sao đủ tư cách đại diện cho tất cả 90 triệu người Việt Nam. Vậy họ đại diện cho bao nhiêu người? Điều đó đủ thấy kẻ giấu mặt đứng đằng sau nhóm KN72 không dám xưng gì hơn, đồng nghĩa với việc họ sợ đối mặt với nhân dân, những người làm chủ vận mệnh đất nước; mặt khác, họ sợ đối mặt với sự thật lịch sử hào hùng của dân tộc mà họ đang rắp tâm bôi nhọ, xuyên tạc một cách trơ trẽn. Họ làm như vậy vì mục đích gì? Trả lời câu hỏi này không khó, bởi những gì họ bộc lộ trong cái gọi là “Dự thảo Hiến pháp năm 2013” đã nói thay họ – những người với nhiều lý do khác nhau đang bất mãn chế độ, được các thế lực thù địch bơm thổi kích động, được bọn phản động trong và ngoài nước lôi kéo, mua chuộc, cổ súy, họ – những con người luồn cúi bán rẻ lương tâm cho các thế lực thù địch để thực hiện cho bằng được chiêu bài chiến tranh không tiếng súng vốn được dàn dựng khá công phu từ lâu, hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta, chống lại sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của nhân dân ta.
Thời gian dành cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn nhiều (đến 30/9/2013), chắc chắn bên cạnh sự tiếp tục góp ý thẳng thắn, công khai, dân chủ và đầy tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân của các tầng lớp nhân dân ta, thì bọn cực đoan, hận thù dân tộc và kẻ địch sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tiếp tục có những chiêu thức mới trong việc lợi dụng góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm tán phát những tài liệu với nội dung sai trái, phản động làm nhiễu thông tin, làm phân tâm nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp. Chúng ta cần phải hết sức cảnh giác để không mắc mưu của kẻ xấu, góp phần làm cho đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa lớn lao này đạt được kết quả tốt đẹp nhất.
—
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN 1996, tập 11, trang 494
(2) Sdd, NXBCTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 8, trang 38
—
* Có thể tác giả hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, xem: + Về vấn đề thực hiện dân chủ trong Đảng hiện nay (Công an Đà Nẵng); + VIỆT NAM: CHÍNH PHỦ DÙNG ‘DƯ LUẬN VIÊN’ ĐỂ ĐẤU VỚI BLOGGER (Châu Xuân Nguyễn). “Sau Hà Nội, quan chức thành phố Đà Nẵng cũng tiết lộ họ đã thành lập DLV từ năm 2010. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013, ông Mai Mộng Tưởng, phó ban tuyên giáo Đà Nẵng chỉ thị cho các DLV dưới quyền “hãy nắm bắt về việc góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp, theo dõi chuyển biến thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” + Thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội thành phố (Đà Nẵng). + Nhưng trong mục “Ban đọc” của báo Công an Đà Nẵng, bài LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992: Sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp, thì lại có ý kiến của một “độc giả” Mai Mộng Tưởng, địa chỉ 16-Mai Hắc Đế, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng.
Nguồn: Basam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét