Theo Tiền Phong đưa tin, tàu Trung Quốc đã chính
thức nổ súng vào tàu cá Việt Nam, kéo dài chuỗi hành động từ uy hiếp và
đến nay đã đe dọa tính mạng ngư dân. Không chỉ vậy, chúng đã cắm cờ, xây
cột mốc trên các đảo không người tại Hoàng Sa.
Cập bến An Hải, Lý Sơn ngày 22/3, ông Phải và 9 thuyền viên vẫn còn
bàng hoàng trên chiếc tàu cá bị bắn tả tơi, đồ đạc cháy nham nhở. Ông
Phải kể lại, khoảng 10h sáng ngày 20/3, trong khi chuẩn bị kết thúc
phiên đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt
Nam, tàu QNg 96382 của thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã bị tàu Trung Quốc
hùng hổ truy đuổi.
Không có rạn san hô để làm chướng ngại vật, tàu của ông buộc phải chạy
thẳng. Sau 30 phút rượt đuổi, lính Trung Quốc nổ súng vào tàu của ông.
Lửa bắt vào nóc cabin phủ nhựa cháy ầm ầm, bên trong cabin vẫn còn 4
bình ga, không dập tắt sẽ nổ. Bất chấp nguy hiểm (có thể bị Trung Quốc
bắn), ông Thạch, một ngư dân lớn tuổi, đã lao lên nóc lấy nước chữa
cháy. Lúc này, tàu Trung Quốc quay đầu đi mất.
Ông Phải cho biết, chi phí sửa tàu khoảng hơn chục triệu đồng, nhưng
chi phí thiệt hại vì tổn phí chuyến biển lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đây không phải lần đầu tiên tàu QNg 96382 đối mặt với sự côn đồ của tàu
Trung Quốc. Trước đó, trong khi đánh bắt tại đảo Đá Lồi, ông cũng đã
từng bị 2 tàu mã số 262, 263 (có thể là tàu Hải giám) chặn đuổi.
Ảnh: Người đưa tin
Như vậy, chỉ riêng trong tháng 3, tại Hoàng Sa, đã có 3 tàu cá của ngư
dân Lý Sơn đụng độ với tàu Hải giám, tàu tuần tra Trung Quốc, mức độ
ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí, cuối năm 2012, tàu chiến của Trung
Quốc cũng đã xuất hiện uy hiếp ngư dân. Nghiêm trọng trên cấp độ quốc
gia, theo thuyền trưởng Bùi Văn Trung (tàu QNg 50949) - người cũng bị
Trung Quốc đập phá tài sản ngư cụ, cướp hải sản ngày 17/3 - cho biết từ
đầu năm đến nay, những hòn đảo, cồn cát ở Hoàng Sa dù không có người ở
nhưng Trung Quốc đã xây cột mốc và cắm cờ Trung Quốc.
Ngày 19/3, với động thái yếu ớt, Ủy ban Biên giới Việt Nam đã cử đại diện nào đó cất tiếng phản đối
với giai điệu phản đối quen thuộc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi
sai trái. Các lực lượng có chức năng giám sát biển, bảo vệ ngư dân vẫn
chưa cho thấy là một chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Việt Nam. Trong khi
đó, tại New York ngày 15/3, trong chuyên đề hội thảo
“Biển Đông - Quả bom hẹn giờ”, các học giả quốc tế đều chia sẻ nỗi cảm
thông với ngư dân Việt Nam đang bơ vơ đối mặt trước một Trung Quốc hung
hăng khi đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa - một khu vực tranh chấp song
phương và dường như chỉ tồn tại thứ chủ quyền lấn lướt của Trung Quốc.
Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới CP, mặc dù
Việt Nam đã có có khá đầy đủ các lực lượng chấp pháp trên các vùng biển
của mình như Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Công an, Hải
quan, tuy nhiên, các lực lượng này phối hợp với nhau để tròn một bổn
phận là giám sát biển, bảo vệ chủ quyền như thế nào vẫn là một câu hỏi
lớn. Những lực lượng chấp pháp này đã ở đâu khi ngư dân bị những nhóm
“hải tặc” trá hình của Trung Quốc đe dọa?
|
p/s:Thông tin này đã đăng trên báo Tiền Phong vào sáng nay nhưng không hiểu sao chỉ vài tiếng sau đã bị rút xuống
Sơn Minh
Nguồn: Sống Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét