theo dõi

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Để giáo dục không tha hóa?

Tại sao người dân mua sản phẩm tốt mà không mua sản phẩm tồi? Vì họ có lợi trong mua sản phẩm tốt để dùng, nếu là nguyên liệu thì giúp họ cho ra những sản phẩm tốt để cạnh tranh nhau. Ngành giáo dục cũng vậy.


Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Do vậy tự bản thân ngành giáo dục không thể tự nó cải cách được. Thứ nhất nó không có động lực. Thứ hai nó không có tín hiệu là cải cách như thế nào cho tốt. Cần phải đặt nó trong hệ thống thị trường, sản phẩm của nó phải được thị trường quyết định.
Chỉ khi nào chúng ta thực hiện nền kinh tế tư nhân 100% và nền chính trị cạnh tranh thì thị trường nhân lực mới có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng, vì họ cần người giỏi để cạnh tranh nhau. Nếu chúng ta duy trì một nền kinh tế với kinh tế quốc doanh chủ đạo, nền chính trị “cha truyền con nối” thì mọi ý tưởng cải cách giáo dục đều thất bại. Sản xuất sản phẩm kém có nơi tiêu thụ thì không ai đầu tư công sức để làm nó tốt hơn cả.
Một người học láo, bằng dỏm nhưng vẫn có nơi nhận, có lương cao thì họ không có động lực để học tốt. Nếu người đi học biết rằng có bằng cấp đẹp nhưng không có năng lực thì cũng vứt thì họ sẽ thực học, không chạy theo bằng cấp và họ gây sức ép lên hệ thống đào tạo để cung cấp cho họ dịch vụ học tốt nhất.
Vận hành một nền giáo dục mạnh
Chúng ta đang vận hành một nền giáo dục công với mục tiêu mang lại công bằng cho xã hội, mang lại cơ hội học tập cho người nghèo. Chính hệ thống này là mầm mống của tham nhũng, lãng phí và là thị trường tiêu thụ sản phẩm tồi khổng lồ do chính nó làm ra.
Hệ thống này không có động lực để cải tiến dịch vụ, không có tín hiệu lợi nhuận để đào tạo theo thị trường. Hệ thống này như "một người mù đi trong đêm" - đến khi mọi chuyện quá nghiêm trọng mới nhận ra, điều chỉnh thay vì nhanh nhạy. Nó ngốn một tài nguyên cực lớn của đất nước, một quĩ thời gian quí báu của công dân và cho ra thị trường những sản phẩm tồi có gắn mác đẹp.
Nhiều người cho rằng thực hiện giáo dục tư là biến nơi tốt đẹp, trật tự thành cái chợ (khẩu hiệu họ đưa ra là lớp học hay cái chợ) - tôi cho rằng thực hiện giáo dục tư không phải biến lớp học thành cái chợ mà.... thành siêu thị!. Siêu thị là nơi người bán, người mua trật tự, lịch sự, văn minh với một mức giá và lợi nhuận hợp lý do các siêu thị còn phải cạnh tranh nhau và giữ thương hiệu.
Siêu thị là nơi người bán, người mua trật tự, lịch sự, văn minh với một mức giá và lợi nhuận hợp lý do các siêu thị còn phải cạnh tranh nhau và giữ thương hiệu. Nếu chúng ta vận hành thị trường giáo dục với những thương hiệu mạnh thì đất nước sẽ không bị chảy máu hàng tỷ USD do người dân trong nước mang ra nước ngoài du học hàng năm....
Nhiều người lo sợ giáo dục tư sẽ tạo ra lộn xộn, lừa dối, cấp phát bằng cấp vô tội vạ, thu học phí cắt cổ. Để quản lý những điều xấu trên chúng ta cần có nền luật pháp rõ ràng và hướng đến việc hình thành những thương hiệu giáo dục lớn. Khi sở hữu thương hiệu lớn người ta phải làm tốt để tránh đổ bể dây chuyền. Bên cạnh đó còn phải thực hiện đồng bộ kinh tế tư nhân tự do, chính trị cạnh tranh.
Nhiều người cho rằng giáo dục tư sẽ làm tăng học phí, tạo bất công trong xã hội, đánh mất cơ hội học tập của người nghèo. Thời bao cấp chúng ta cũng có quan niệm rằng nhà nước nên nắm lấy hệ thống buôn bán để tránh bị tư thương mua rẻ bán đắt, bóc lột người nghèo, tạo ra bất công.
Lịch sử cho thấy quan niệm như vậy là sai lầm. Hệ thống cửa hàng mậu dịch quốc doanh làm trì trệ sản xuất, làm mệt mỏi cho cả bên bán lẫn bên mua. Dỡ bỏ quốc doanh, thực hiện tự do buôn bán đã mang lại cơ hội cải thiện kinh tế cho hàng triệu người nghèo. Họ không chỉ là người tiêu dùng mà còn là người lao động trong hệ thống đó. Nhà nước quản lý hệ thống thương mại bằng luật có hiệu quả hơn so với tự làm.
Rõ ràng một nền giáo dục cũng như vậy. Chính phủ nên hỗ trợ người nghèo học thông qua chi phiếu, còn việc họ mang chi phiếu để học trường nào là quyền của công dân. Các trường phải cạnh tranh nhau để có khách hàng.
Những bước đi...
Phải chấp nhận qui luật kinh tế thị trường với giáo dục, quản lý nhà nước thông qua luật pháp chứ không phải nhà nước làm thay. Trợ cấp người nghèo đi học thông qua phiếu học tập rồi để người học quyết định học nơi nào tốt nhất, không cung ứng giáo dục công.
Tiến hành cải cách nền kinh tế tư nhân tự do triệt để và thực hiện chính trị minh bạch cạnh tranh để phá hủy tất cả những căn hầm trú ẩn của bọn dốt, học láo.
Thực hiện tư nhân hóa hệ thống giáo dục, cổ phần hóa tất cả các trường lớp hiện có một cách minh bạch, cố định giá trị cho cán bộ, giáo viên. Hoàn thiện hệ thống luật pháp để hỗ trợ thị trường xây dựng các thương hiệu giáo dục mạnh.
Để làm được điều trên, cả xã hội phải giáo dục cho dân chúng hiểu về kinh tế thị trường để người dân tránh nỗi sợ bị tăng học phí mà phản đối. Phải đấu tranh để tháo bỏ những cản trở từ các nhóm lợi ích đang hưởng lợi từ hệ thống bao cấp giáo dục của nhà nước.
Tất cả lãnh đạo trường tư từ phổ thông đến đại học phải biết đến quyền lợi của mình để ủng hộ giải pháp trên. Tư nhân hóa sẽ đưa đến cạnh tranh bình đẳng hơn giữa họ với hệ thống trường công hiện nay. Nhiều vụ đổ bể trường tư hiện nay không phải vì bản chất xấu xa của họ mà vì sự cạnh tranh không bình đẳng và một nền luật pháp chưa hoàn thiện gây ra.
  • Nguyễn Văn Thạnh (Đà Nẵng)
    Theo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét