TTXuân - Với nghị quyết được thông qua ngày
23-11-2012, Quốc hội đã kêu gọi mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước
đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp “thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện
vọng của nhân dân”.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng
Cường cho rằng “việc làm ra Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp là việc hệ
trọng nhất trong các vấn đề hệ trọng của đất nước”.
Tuổi Trẻ trò chuyện đầu xuân Quý Tỵ 2013 với
tiến sĩ VŨ ĐỨC KHIỂN - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cuộc trao đổi xoay quanh những suy nghĩ sâu sắc của ông về Hiến pháp, về
tư tưởng Hồ Chí Minh và về khát vọng của nhân dân trong việc xây dựng
nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định
Việc làm ra Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, theo tôi,
là việc hệ trọng nhất trong các vấn đề hệ trọng của đất nước. Do vậy
Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định. Nói cách khác, nhân dân
phải là chủ thể của quyền lập hiến.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG
|
* Thưa ông, nhìn vào các quốc gia phát triển chúng
ta có thể thấy trong hiến pháp của họ, bên cạnh các giá trị phổ quát là
tự do, dân chủ, nhân quyền, thì tính dân tộc là đặc trưng nổi trội, là
chất kết dính cả dân tộc đồng lòng hướng về một phía, phát huy cao nhất
sức mạnh một quốc gia?
- Đó là một thực tế mang tính chân lý, vì Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành
công, đại thành công”. Chúng ta không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào
chính lịch sử của dân tộc mình trong các cuộc kháng chiến trường kỳ
chống Pháp, chống Mỹ, nếu không có sức mạnh của khối đại đoàn kết các
dân tộc thì không thể thắng lợi.
Lịch sử cũng cho thấy rằng cứ khi nào có sự chia rẽ các
dân tộc, sức lao động, sáng tạo của nhân dân bị kìm hãm, thì lúc ấy đất
nước lâm nguy. Từ những suy nghĩ đó, tôi tha thiết đề nghị sửa đổi, bổ
sung điều 2 Hiến pháp năm 1992 bằng cách thay cụm từ “Tất cả quyền lực
Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công
nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ: “Tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ,
thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi
ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân
nghĩa, khoan dung; tăng cường đồng thuận xã hội”.
Tôi cho rằng nếu xác định “liên minh giữa giai cấp công
nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là nền tảng quyền lực
nhà nước của nhân dân thì sẽ không đầy đủ. Thử hỏi, nông dân, công nhân ở
nước ta bây giờ là những ai? Những người nông dân, công nhân ưu tú nhất
đã biết tổ chức sản xuất, kinh doanh, trở thành những chủ doanh nghiệp,
chủ trang trại, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động và đóng
góp nhiều cho ngân sách nhà nước, góp phần làm dân giàu, nước mạnh, được
Nhà nước và xã hội tôn vinh.
Vậy họ có phải là chỗ dựa cho việc thực hiện quyền lực
nhà nước của nhân dân hay không? Vậy họ có còn là người nông dân, công
nhân như cách gọi trước đây nữa không? Trả lời những câu hỏi này đã dẫn
tôi đến đề nghị sửa đổi trên đây.
* Giai cấp, tầng lớp là tạm thời và luôn biến động, chỉ có dân tc là mãi mãi…
- Như trên tôi đã nói, thành phần giai cấp của một
người thì có thể thay đổi, nhưng người đó thuộc dân tộc nào thì không
bao giờ thay đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người trực tiếp chỉ đạo soạn
thảo Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã ghi rõ:
“Hiến pháp Việt Nam phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây: Đoàn
kết toàn dân tộc, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn
giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và
sáng suốt của nhân dân”.
Với suy nghĩ đó, tôi đề nghị Hiến pháp phải đặt vấn đề
đại đoàn kết, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và phát huy sức mạnh ấy
thì chúng ta mới có lực lượng, mới thực hiện được những mục tiêu cao cả
là đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người, xây dựng đất
nước hùng cường.
* Về điểm này, theo ông, Việt Nam có thể tham khảo
được gì từ các bản hiến văn nổi tiếng trên thế giới, chẳng hạn như Hiến
pháp 1787 của Hoa Kỳ?
- Hồ Chủ tịch đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945
bằng cách trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và gọi đó là
“những lời bất hủ”. Chế độ chính trị của Việt Nam khác với Mỹ và khác
với nhiều nước, chúng ta cần một bản Hiến pháp phù hợp với điều kiện
Việt Nam và của người Việt Nam, nhưng những giá trị phổ quát đã được
thừa nhận thì chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu, phát triển như cách
Bác Hồ đã làm.
Phải nói thẳng rằng nếu so với tư tưởng của các nhà lập
hiến Hoa Kỳ thì chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Cách đây 226 năm,
khi Việt Nam còn là một nước phong kiến thì người Mỹ đã có một bản hiến
pháp của nhân dân với câu mở đầu: “Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc
Hoa Kỳ quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Tôi xin dẫn ví dụ đó để thấy rằng sức mạnh của khối đại
đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa như thế nào. Câu hỏi đặt ra là trong
điều kiện của mình, chúng ta có làm được như vậy không? Tôi có niềm tin
là chúng ta sẽ làm được. Hãy nhìn vào cách Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp
lực lượng và sử dụng tài năng, trí tuệ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng
đất nước thì sẽ tìm được câu trả lời.
* Những lời đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập của
Hồ Chủ tịch là những lời nói về quyền con người. Điều quan trọng ấy nay
được trình bày ở chương 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Xin được hỏi
ông, quyền con người là giá trị phổ quát, được nhiều quốc gia cùng đặt
bút ký vào những tuyên bố, công ước chung, vậy tại sao nó vẫn cứ gây
tranh cãi?
- Ở đây có vấn đề về nhận thức. Có một thời chúng ta
phê phán và cho rằng có sự đối lập giữa việc đề cao quyền cá nhân của
con người (tức là nhân quyền) với tính cộng đồng. Dần dần về sau chúng
ta mới hiểu rằng đề cao tập thể mà bỏ qua cá nhân theo chủ nghĩa nhất tự
công thì không tạo ra được động lực phát triển xã hội vì đã kìm hãm sự
vươn lên của những người có tài năng và đạo đức. Tôi đặc biệt hoan
nghênh chủ trương quy định quyền con người trong Hiến pháp mà cụ thể là
dự thảo đã quy định tại chương 2.
Trước đây, chúng ta chỉ quy định quyền công dân mà
không quy định quyền con người trong Hiến pháp. Cần phải hiểu rằng công
dân là một khái niệm pháp lý giữa người dân với nhà nước, còn quyền con
người là quyền tự nhiên được tạo hóa ban cho mọi người từ khi sinh ra
trên đời này. Đó là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc,
quyền có tài sản… Tạo hóa ban cho con người những quyền đó chứ không
phải nhà nước ban phát cho họ, vì vậy nhà nước phải có trách nhiệm ghi
nhận và bảo hộ những quyền đó của con người.
* Một bản hiến văn tốt không chỉ là bản hiến văn có
nội dung tiến bộ, câu chữ sang trọng, mỹ miều, mà phải là bản hiến văn
đi sâu vào lòng người, được thực thi triệt để trong xã hội. Thảo luận
tại Quốc hội, nhiều đại biểu e ngại rằng có những quy định trong Hiến
pháp có thể bị “treo” như đã từng bị “treo”, đó là quy định về quyền
biểu tình, quyền lập hội và việc trưng cầu ý dân. Ông suy nghĩ gì về
chuyện này?
- Trong các văn kiện của Đảng gần đây đều nói rõ hai ý,
hai phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình là dân chủ đại
diện và dân chủ trực tiếp. Dân chủ đại diện được thực hiện thông qua
quyền bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là những người
được nhân dân ủy quyền thực hiện một số quyền lực nhà nước của mình. Còn
dân chủ trực tiếp là gì? Đó là người dân giữ lại một số vấn đề, chủ
trương, quyết sách đặc biệt quan trọng của đất nước để trực tiếp quyết
định, Nhà nước phải căn cứ vào ý kiến đó để thực hiện. Đó là việc nhân
dân trực tiếp quyết định, Nhà nước thi hành, chứ không phải Nhà nước đưa
ra lấy ý kiến nhân dân để tham khảo.
Để thực hiện được thì trước hết Hiến pháp phải quy định
rõ về những vấn đề, chủ trương, quyết sách nào phải đưa ra trưng cầu ý
dân. Do đó quy trình trưng cầu ý dân phải được luật hóa. Biểu tình cũng
vậy, là một hình thức dân chủ trực tiếp để người dân biểu lộ chính kiến
của mình (ủng hộ hoặc phản đối) với những chủ trương hoặc để giải quyết
một tình hình đặc biệt của đất nước. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh hiện
nay, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra và đưa những quy định như vậy vào
cuộc sống và thực hiện thì chỉ có tốt mà thôi. Nếu không những ấm ức,
bức xúc của người dân sẽ bị dồn nén lại, trở thành nguy cơ rất lớn cho
sự bất ổn của đất nước.
Nhiều cơ hội để người dân tham gia xây dựng Hiến pháp
TS Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập
pháp, thành viên ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho
rằng với quan điểm Hiến pháp là bản khế ước của toàn dân thì việc tổ
chức lấy ý kiến nhân dân càng sâu rộng, càng nhiều ý kiến càng tốt. Nghị
quyết của Quốc hội đã nêu rõ: “Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được
tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình
nghiêm túc”.
Theo quyết định của Quốc hội, các hình thức lấy ý kiến
nhân dân phải đa dạng, phong phú, người dân có thể góp ý trực tiếp bằng
văn bản gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; thảo luận tại các
hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của Quốc
hội http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng.
Quốc hội đề nghị: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia
góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ
chức thành viên của Mặt trận tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của các
thành viên tổ chức mình, ý kiến của các tổ chức xã hội khác, ý kiến của
các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn
giáo, người VN định cư ở nước ngoài và tổng hợp ý kiến, xây dựng báo cáo
kết quả đóng góp ý kiến gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992”. Các cuộc thảo luận chuyên đề cũng sẽ được tổ chức tại các tỉnh,
thành phố dưới sự chủ trì của hội đồng nhân dân.
Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, Quốc hội yêu
cầu “tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng
góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý
kiến đóng góp của nhân dân”.
Ý kiến của nhân dân sẽ được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992 tập hợp, tổng hợp để báo cáo Quốc hội; đồng thời sẽ
nghiên cứu tiếp thu, giải trình để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định.
L.K.
|
______________________
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG, trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:
Mong rằng Hiến pháp sẽ chứa đựng ý kiến của toàn thể nhân dân
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là công
việc hệ trọng của quốc gia. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác
định rõ mọi quyền lực đều nằm ở nơi dân. Dân ủy quyền cho Quốc hội, dân
cũng đặt ra các định chế cho Nhà nước và do đó tất cả đều phải chịu sự
giám sát của nhân dân, kể cả các tổ chức Đảng và đảng viên.
Một điểm mới đáng chú ý là dự thảo đưa
chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí
thứ hai, chỉ sau chương chế độ chính trị. Đây là một chương rất quan
trọng trong Hiến pháp, trước đây chúng ta quy định quyền và nghĩa vụ của
công dân thì nay mở rộng hơn theo hướng tăng thêm và mở rộng quyền con
người. Chắc chắn rằng sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành, Quốc
hội sẽ phải tập trung xây dựng pháp luật nhằm cụ thể hóa những quy định
trong Hiến pháp để những quy định đó được thực thi.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân, dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tiếp thu, hoàn chỉnh, công bố và
sẽ báo cáo Quốc hội ý kiến của toàn dân. Tôi mong rằng một năm nữa,
cuối năm 2013, khi đại biểu Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua
Hiến pháp thì bản Hiến pháp đó đúng thật sự chứa đựng ý kiến của toàn
thể nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét