theo dõi

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Đặc nhiệm Senkaku/Điếu Ngư do ông Tập Cận Bình chỉ huy


TPO-Tờ Asahi Shimbun (Nhật) vừa đưa tin, Trung Quốc đã thành lập lực lượng đặc nhiệm cấp cao phụ trách vấn đề Senkaku/Điếu Ngư do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy T.Ư Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ huy.
Ông Tập Cận Bình là chủ tịch lực lượng đặc nhiệm Senkaku/Điếu Ngư
Ông Tập Cận Bình là chủ tịch lực lượng đặc nhiệm Senkaku/Điếu Ngư.
Lực lượng gồm các quan chức đầu ngành của quân đội, tình báo, ngoại giao, công an, hải giám, có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống bất ngờ trên Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng theo tờ báo này, mọi phản ứng của Trung Quốc trước tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ do tổ chức này phối hợp và chỉ huy trực tiếp.
Một nguồn tin thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết lực lượng đặc nhiệm này được lấy nguyên mẫu từ Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là việc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã trở thành một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Trung Quốc.
Theo nguồn tin này, lực lượng đặc nhiệm này được thành lập từ 14-9 năm ngoái, ngay sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo tư nhân thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo đó, lực lượng do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình làm chủ tịch trong khi ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách chính sách đối ngoại làm Phó chủ tịch. Các thành viên khác đều là những quan chức cấp cao của Giải phóng quân Trung Quốc.
Sở dĩ tổ chức này được thành lập là do quân đội Trung Quốc và các bộ phận khác của chính phủ thiếu sự phối hợp và đồng bộ trong việc phản ứng với các vấn đề về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo Asahi Shimbun.
Đội tàu hải giám và các lực lượng quân đội cũng phối hợp qua radio và videophone để thống nhất các hành động.
Theo một cựu quan chức cấp cao của Cục Quản lý Hải dương Nhà nước Trung Quốc, “tinh thần và kỹ năng của các thủy thủ tàu hải giám thấp hơn nhiều so với lực lượng tuần duyên Nhật Bản”. Tuy nhiên, theo nguồn tin chính phủ Nhật Bản, sau khi lực lượng này được thành lập, thủy thủ Trung Quốc đã trở nên “kỉ luật và đáng gờm”.
Yêu cầu quân đội “sẵn sàng cho chiến tranh”
Theo Tân Hoa Xã hôm 20-1, ông Hứa Kỳ Lượng, tân Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã yêu cầu quân đội tập trung vào việc tăng cường khả năng chiến đấu, sẵn sàng cho chiến tranh trong chuyến thị sát ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam và Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau chỉ thị mới yêu cầu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tăng cường khả năng chiến đấu, giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào.
Việc quân đội Trung Quốc nhấn mạnh vào khả năng sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị các tình huống chiến tranh thật sự đang làm xôn xao cộng đồng quốc tế. Báo chí nước ngoài và các quan sát viên coi đây là động thái hiếu chiến và nguy hiểm, đồng thời chỉ trích nước này làm tình hình tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng trở nên căng thẳng.
Trong nước, PLA quyết tâm đào tạo đội quân tinh nhuệ nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu trong chiến tranh được đặt lên hàng đầu. Tờ Nhật báo PLA cảnh báo rằng binh sỹ Trung Quốc đã quá quen với nhiều thập kỉ sống trong hòa bình và “họ phải từ bỏ cuộc sống thoải mái này để chuẩn bị cho chiến tranh”.
Có điều gì lạ về việc quân đội Trung Quốc bỗng nhiên muốn tăng cường khả năng chiến đấu? Đối với hầu hết các nước, quân đội có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia và khả năng này có được nhờ rèn luyện mỗi ngày. Rất nhiều nước liên tục nghiên cứu và áp dụng những chiến lược quân sự mới nhằm tăng sức mạnh quân đội.
Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, nhiều thập kỉ sống trong hòa bình là lý do hạn chế khả năng chiến đấu của binh sỹ.
Mặc dù chiến tranh không mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Trung Quốc muốn giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua ngoại giao, nhưng một lực lượng quân sự hùng mạnh sẽ là cột trụ vững chắc cho ngoại giao. Quốc phòng mạnh sẽ nâng cao sự tự tin của Trung Quốc để có những hành động kiên quyết bảo về chủ quyền trên mặt trận ngoại giao.
Tờ báo này cũng cho rằng có nhiều lý do khiến nước này cải thiện khả năng chiến đấu và sẵn sàng cho tình huống chiến tranh trong đó có việc căng thẳng leo thang trên Biển Đông và Hoa Đông. Tuy nhiên, tờ báo cũng nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị cho chiến tranh không có nghĩa là chiến tranh đang đến gần. Trung Quốc sẽ sẵn sàng sử dụng đến các biện pháp quân sự nếu lợi ích cốt lõi của nước này bị đe dọa và sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc lâu nay của việc giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao.
Phan Yến
Theo Asahi Shimbun
Nguồn: Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét