theo dõi

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Không thể để họ đạt được ý đồ xấu (16/05/2012)


Ngày 13-5 vừa qua, Tân Hoa Xã đưa tin vào 12 giờ trưa hôm nay (16-5), nước này bắt đầu thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong vòng hai tháng rưỡi (kể từ 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8). Thực ra, thông tin trên đã được mạng Ngư nghiệp Trung Quốc đăng tải từ ngày 17-1-2012. Và, đây là một động thái không còn xa lạ gì của phía Trung Quốc kể từ nhiều năm nay. Hằng năm cứ vào mùa sinh sản của cá, Cục Quản lý Ngư nghiệp Trung Quốc lại tự cho mình cái quyền làm thế; vì theo họ là để bảo vệ hệ sinh thái và các nguồn lực ở Biển Đông.


Vươn ra biển khơi - khát vọng từ thời mẹ Âu Cơ

Điều đáng nói là bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực, phía Trung Quốc vẫn phi lý đơn phương đưa ra lệnh cấm mà lệnh cấm ấy được cho là sẽ áp dụng với cả ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước mà giữa họ và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.

Ngay từ đầu năm nay, khi thông tin trên được phát trên mạng Ngư nghiệp Trung Quốc, ngày 20-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng khẳng định: "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Ông Lương Thanh Nghị cũng đã nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm.” Trong tuyên bố ấy, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị cho biết: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc.

Không phải chỉ có Việt Nam mà chắc chắn nhiều nước có lợi ích liên quan ở Biển Đông ở khía cạnh của mình đều phản đối lệnh cấm đánh bắt kể trên. Gần đây nhất, ngày 14-5, đáp lại lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario đã cứng rắn nói: "Philippines không công nhận lệnh cấm đánh cá vì đó là sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”. Sở dĩ như vậy là vì, trong cái lệnh mà Tân Hoa Xã phát ra hôm 13-5 có bao gồm cả khu vực Scarborough (Hoàng Nham) mà hai bên đang tranh chấp. Đáng chú ý nhất trong lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 là việc phía Trung Quốc quy định khu vực cấm đánh bắt từ 12 độ vĩ Bắc trở lên phía Hải Nam; không những vậy, cùng với việc quy định khu vực cấm họ còn khuyến khích ngư dân tập trung đánh bắt cá trên vùng biển phụ cận quần đảo Trường Sa.

Vì sao lại có một lệnh cấm như vậy? Giới thạo tin cũng như những nhà phân tích ngay lập tức đã bình luận động thái này như "một mũi tên trúng nhiều đích”. Đơn giản, việc cấm đánh bắt cá ở khu vực Scarborough (Hoàng Nham) sẽ giúp tạo điều kiện để các tàu hải giám, tàu ngư chính của Trung Quốc bắt tàu Philippines. Mặt khác, nó "xua” tàu cá Trung Quốc đi sâu xuống phía Nam gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để đánh bắt. Đáng nói hơn, vùng mà Trung Quốc hướng dẫn cho tàu cá của mình tới đánh bắt để tránh lệnh cấm của chính họ lại là vùng biển thuộc quyền chủ quyền của một quốc gia biển trong khu vực- đó là Việt Nam. Họ đã ra mặt hướng dẫn ngư dân khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của chúng ta theo quy định được nêu rất rõ ràng trong UNCLOS 1982. Cũng cần nhắc thêm, không chỉ có Việt Nam mà ngay cả Trung Quốc cũng đặt bút ký và trở thành thành viên của Công ước. Vậy tại sao, Trung Quốc vẫn tiếp tục giở "chiêu bài” này? Cách làm ấy chỉ có thể được hiểu và chỉ có một cách lý giải: Họ muốn tăng cường sự hiện diện, nhằm tạo sự hiểu lầm không đáng có của cộng đồng quốc tế về một điều cũ rích- cái gọi là vùng biển nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc. Một vùng biển được kiểm soát là theo một đường lưỡi bò phi lý do chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cố tình vẽ vào "tận cửa nhà người khác”. Thâm ý ấy của Bắc Kinh không khó nhận biết: Tất cả đều nằm trong một chiến lược tăng cường sự có mặt của các lực lượng dân sự hoặc giả dân sự có mặt tại vùng Biển Đông cả về số lượng và tần suất. Bởi, như vậy rất có thể sẽ đem lại chút lợi thế cho họ trong những cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp sau này. Cách làm ấy của giới chức Trung Quốc còn đi ngược lại với tinh thần DOC giữa ASEAN và Trung Quốc (2002) khi cùng nhau "khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á...” và cam kết "kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực”.

Còn nhớ, Trung Quốc đã không ít lần bóng gió với các quốc gia có ý định hợp tác với Việt Nam tại các dự án trên Biển Đông rằng: Họ nên nhớ đi vào vùng biển sóng gió là điều mạo hiểm. Tiến thêm một bước trong hành trình xâm lấn một cách có chủ đích ở khu vực Biển Đông và cũng để che đậy cho hành vi phi nghĩa của mình; cùng với việc ban hành cái lệnh cấm đánh bắt ấy, phía Trung Quốc còn ra thông báo: Sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và cá của những ngư dân các nước vi phạm. Ngư dân Trung Quốc vi phạm sẽ bị phạt 8000 NDT và bị tạm thu giấy cấp phép đánh bắt cá.

Có lẽ, Bắc Kinh hy vọng, ngư dân các nước; trong đó, có ngư dân Việt Nam vì lo ngại lệnh cấm đó sẽ từ bỏ ngư trường truyền thống của mình. Nhưng có lẽ họ đã nhầm và mục đích thâm hiểm ấy chắc chắn sẽ khó lòng đạt được. Bởi, đơn giản, ngư dân Việt Nam, những người gắn bó cả đời với biển trải qua nhiều đời nay vẫn luôn và sẽ tiếp tục đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của quốc gia. Họ đi biển không đơn thuần chỉ vì tình yêu mãnh liệt với vùng biển trời của Tổ quốc; cũng không đơn thuần chỉ vì cuộc mưu sinh. Cao cả hơn đó là vì, họ muốn cùng chia sẻ với quốc gia, dân tộc cái khát vọng vươn ra biển khơi- khát vọng từ thời mẹ Âu Cơ với 50 người con theo cha xuống biển. "Sói biển” Mai Phụng Lưu người đã 3 lần bị Trung Quốc vô cớ bắt giữ và tịch thu tàu đến mức gặp khó khăn vẫn không nguôi nỗi khát vọng ấy, khi từng nói không chút ngần ngại: Nếu có thể tiếp tục đánh bắt cá thì Hoàng Sa vẫn sẽ là ngư trường tôi chọn. Ngư dân Trần Công Nở thì khẳng khái: Dù thế nào thì chúng tôi vẫn cứ đi Hoàng Sa. Chúng ta hiểu rất rõ dụng ý của Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam ai cũng ý thức sâu sắc: Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt không thể tách rời. Ý chí ấy, lòng yêu nước và ý thức giữ gìn chủ quyền quốc gia ấy mạnh hơn hơn mọi thủ đoạn phi pháp đối với ngư dân Việt Nam.

Hoàng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét