Trả lời cử tri về chủ đề biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng hành động như xây dựng luật biển, xác lập chủ quyền lịch sử và trên thực tế.
Ngày 2/5 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 1 và 3, TP HCM. Cử tri đặt vấn đề tăng lương không theo kịp giá cả, thực phẩm bẩn tràn lan, tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, "nóng" nhất vẫn là tình hình biển Đông và tình trạng tham nhũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời cử tri quận 1. Ảnh: Tá Lâm. |
Nhiều cử tri đề nghị Đảng và Nhà nước phải có giải pháp quyết liệt để bảo vệ chủ quyền biển đảo, sớm ban hành luật Biển Việt Nam. Cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh) lo ngại trước việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc vừa công bố "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. "Do đó, chúng ta phải nghiêm túc và kiên quyết thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền tổ quốc", ông Minh đề nghị.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, lập trường trước sau như một của Việt Nam là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. "Việc này không phải chỉ bằng nhận thức mà phải bằng hành động, tức là phải xác lập chủ quyền biển đảo", ông Trương Tấn Sang nói
Theo Chủ tịch nước, về mặt pháp lý phải xây dựng hệ thống luật quốc nội để khẳng định chủ quyền trên biển đảo, đó là luật Biển Việt Nam. Luật này sẽ sớm được thông qua trong thời gian tới.
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ để khẳng định chủ quyền biển đảo. Trên thực tế, Việt Nam đang đặt mục tiêu khai thác kinh tế biển trên quy mô lớn. Hiện nay, khai thác thủy hải sản, đặc biệt là dầu khí chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập ngân sách của Việt Nam. Theo chiến lược biển đã ban hành, đến năm 2020, quy mô đóng góp từ kinh tế biển sẽ chiếm khoảng 40% (hiện nay chiếm 16-17%).
Liên quan vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri Bùi Đức Tráng cho rằng, người dân cảm thấy tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí của bộ máy công quyền đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. "Nếu Đảng không đổi mới cơ chế thì tham nhũng mãi mãi không thay đổi được", ông Tráng bức xúc.
Theo ông, cơ chế này phải đổi mới ở 3 mục tiêu gồm: cán bộ công quyền không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. "Không muốn tham nhũng tức là chắt lọc những cán bộ có ý thức, có trách nhiệm và phải biết xấu hổ, tuy nhiên phải trả lương cho họ xứng đáng. Không thể tham nhũng tức là toàn bộ hoạt động của Chính phủ, của bộ máy công quyền phải công khai minh bạch. Không dám tham nhũng tức là luật pháp phải rất nghiêm minh và phải có cơ chế cho người phát hiện và tố cáo tham nhũng", ông Tráng giải thích.
Trước đề nghị này, Chủ tịch nước cho biết, chống tham nhũng là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Trong tháng 5 này, tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng sẽ được bàn bạc và quyết định.
Cử tri quận 1 kiến nghị Quốc hội mạnh tay với tham nhũng. Ảnh: Tá Lâm. |
Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri cũng bày tỏ sự không đồng tình với kết luận nguyên nhân gây cháy xe mới đây của các bộ, ngành liên quan. “Tất cả các lý do nêu ra vẫn chưa giải thích được tại sao thời gian qua xuất hiện nhiều, dồn dập cháy nổ các loại xe như thế", ông Vũ Quý (cử tri quận 1) nói.
Ông đề nghị các bộ, ngành nên mời các chuyên gia nước ngoài truy tìm nguyên nhân cháy xe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét