TT - Tại sao ở Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển
Đông lại xuất hiện dư luận hiếu chiến đến mức mù quáng, bất chấp lẽ phải
và sự thật, bất chấp luật pháp quốc tế?
Tàu Trung Quốc tuần tra trên biển Đông - Ảnh: Mạng quân sự Trường Giang |
Kết quả của một cuộc thăm dò do Thời báo Hoàn Cầu thực
hiện với gần 1.500 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô,
Tây An, Thẩm Dương... cho thấy rõ điều này. Gần 80% ủng hộ Trung Quốc
“sử dụng vũ lực để đập tan các hành động gây hấn và xâm phạm” trên biển
Đông. Chỉ vỏn vẹn 16,6% là nói không.
Thử khảo sát trên các trang Weibo... của cư dân mạng
Trung Quốc cũng dễ dàng nhận thấy một dư luận tương tự. Rất nhiều ý kiến
đòi chính quyền tuyên chiến trên biển Đông. “Không có chỗ cho đàm phán
khi xét đến vấn đề lãnh thổ. Một cuộc chiến có thể đem lại 10 năm hòa
bình” - một người viết. Người khác lại thẳng thừng: “Tôi ủng hộ việc bắn
phá Philippines”. Nhiều người còn chỉ trích chính quyền Trung Quốc là
hèn nhát, không dám bảo vệ đất nước. Đa số khẳng định căng thẳng trên
biển Đông là “âm mưu thâm độc” do Mỹ dàn dựng để chống Trung Quốc...
Tâm lý nạn nhân
Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn còn có những người tử tế,
biết tôn trọng lẽ phải và sự thật, biết yêu đất nước mình và tôn trọng
quyền lợi chính đáng của những nước khác như hội thảo “Chủ quyền quốc
gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng
tổ chức mới đây đã cho thấy. Thế nhưng những tiếng nói như vậy còn ít ỏi
và lẻ loi, thậm chí đang có nguy cơ bị xem là “những kẻ phản quốc”.
Nguyên văn tuyên bố của thiếu tướng quân đội Trương Châu Trung như sau:
“Có hơn 1 triệu kẻ phản quốc ở Trung Quốc. Một số học giả là do Mỹ đào
tạo, đọc sách Mỹ, chấp nhận quan niệm Mỹ và họ đang giúp Mỹ chống Trung
Quốc”.
|
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, điển hình nhất
là tờ Thời báo Hoàn Cầu, thường xuyên cáo buộc Việt Nam và Philippines
là “kích động”, “gây hấn” trên biển Đông và đòi chính quyền Bắc Kinh
phải phát động “một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ” chống lại các quốc gia
Đông Nam Á. Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục đe dọa sẽ
trừng trị các nước láng giềng.
Sách giáo khoa của học sinh tiểu học và trung học đều
khẳng định cực nam lãnh thổ Trung Quốc là quần đảo Trường Sa của Việt
Nam. Các bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng vẽ lãnh thổ Trung Quốc
kéo dài tới tận Trường Sa.
Tất nhiên, sách giáo khoa Trung Quốc đã lờ tịt việc hải
quân nước này đánh chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
vào năm 1974. Giới “học giả” Trung Quốc cứ ra rả một luận điệu dối trá
khi nhấn mạnh trước thập niên 1970 không hề có cái gọi là “vấn đề biển
Đông” do “biển Đông thuộc quyền quản lý của Trung Quốc”.
Trung Quốc hiện có một số tổ chức lớn chuyên nghiên cứu
về biển Đông như Viện Hàng hải Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Học
viện Khoa học xã hội, Viện Quan hệ quốc tế đương đại... Các “học giả”
và “chuyên gia” của các tổ chức này, thông qua các hội nghị, hội thảo,
diễn đàn, đều chung một luận điệu dối trá cho rằng khu vực được quy định
bởi “đường chín đoạn” là thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.
Phân tích dư luận của Trung Quốc về vấn đề biển Đông,
nghiên cứu của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng nguyên nhân là
do chính quyền Bắc Kinh đã “tẩy não” người dân nước mình ngay từ khi họ
còn là những đứa trẻ và “đầu độc” họ hằng ngày, nên người dân luôn tin
rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc. Hằng ngày họ liên tục tiếp
nhận những thông tin méo mó, dối trá qua các phương tiện thông tin. Do
đó, niềm tin này càng trở nên mạnh mẽ đến mức họ coi các quốc gia khác
là kẻ gây hấn, còn Trung Quốc là người vô tội.
Tâm lý của kẻ bị vây hãm
Vẫn theo ICG, trong vấn đề biển Đông, chính quyền Trung
Quốc đã kích động một tâm lý dân tộc cực đoan bằng cách mô tả Trung
Quốc là “nạn nhân” của các quốc gia xung quanh, là “kẻ yếu thế” trong
các tranh chấp trên biển Đông. Chẳng hạn, báo chí Trung Quốc thường đưa
tin theo kiểu: “Có hơn 1.000 giàn khoan dầu trên biển Đông và bốn sân
bay ở Trường Sa, nhưng không có một cái nào là của Trung Quốc”.
Việc Mỹ tuyên bố trở lại châu Á càng là cơ hội để
truyền thông Trung Quốc tô đậm “tâm lý nạn nhân” này, đẩy nó lên thành
“tâm lý của kẻ bị vây hãm” bởi “những thế lực chống Trung Quốc” ở bên
ngoài, và Trung Quốc đang phải tả xung hữu đột để chống đỡ và cố thoát
ra tình trạng bị bủa vây này. Tất nhiên, như ICG vạch rõ, bằng cách này
các cơ quan và chính quyền địa phương ở Trung Quốc mới có thể lợi dụng
để thực hiện những ý đồ riêng. Họ thường công khai chỉ trích các quốc
gia khác để gây sức ép buộc chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ thêm nguồn lực.
PLA cũng lợi dụng tranh chấp ở biển Đông để mở rộng ngân sách quốc
phòng.
Chính do những thứ tâm lý này, các giọng điệu hiếu
chiến luôn chiếm ưu thế trước quan điểm ôn hòa trong dư luận Trung Quốc.
Cũng chính vì tự thổi ngọn lửa dân tộc cực đoan, chính quyền Bắc Kinh
lại luôn bị áp lực phải thể hiện bộ mặt cứng rắn để không bị xem là yếu
thế mỗi khi đề cập đến vấn đề biển Đông. Một số học giả nhận định chính
Bắc Kinh đã “tự tạo ra một con quái vật mà nó sẽ khó lòng kiểm soát”.
SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG
Nguồn: Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét