TTCT - Việc ASEAN cuối cùng đưa ra được một tuyên bố gồm 6 điểm về biển Đông làm dấy lên hi vọng an bình trên biển Đông. Tuy nhiên, đáp ứng tuyên bố 6 điểm này như thế nào, cả bằng lời nói lẫn việc làm, lại là một câu hỏi lớn.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trả lời báo chí tại Hà Nội ngày 18-7- Ảnh: Reuters
|
"Phía Trung Quốc sẵn sàng phối hợp cùng những thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời câu hỏi về tuyên bố của ASEAN.
Ông Hồng Lỗi cho biết "Trung Quốc sẵn sàng tham vấn với ASEAN để đạt được thỏa thuận về Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC)" và rằng "Chúng tôi hi vọng tất cả các bên sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc DOC, đồng thời tạo điều kiện và môi trường cần thiết cho việc tham vấn". Tân Hoa xã (21-7) loan tin này với tựa đề "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN phù hợp với chính sách của Trung Quốc về việc giải quyết biển Đông" (1).
"Sự thật" nào mới là thật?
“Triển vọng châu Á" của UNCLOS
Luật biển đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Tin mới nhất trên IPS cho biết Triển lãm EXPO 2012 (từ 11 đến 13-8 tại Yeosu, Hàn Quốc) sẽ nhắm chủ đề là “Nền tảng pháp lý quan trọng nhất của thế kỷ 21”: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Cụ thể, tại triển lãm này, LHQ sẽ cùng với Viện Hàng hải và thương mại Hàn Quốc (thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc) chủ trì một hội nghị quốc tế để thảo luận về “Triển vọng châu Á” của UNCLOS.
Amina Mohamed - phó giám đốc điều hành của Chương trình môi trường LHQ, đồng tổ chức EXPO 2012 - cho biết từ quan điểm của LHQ, biển cả hình thành một phần của những cộng đồng toàn cầu, nên “bất kỳ đe dọa nào cho nguồn tài nguyên toàn cầu này đều phải được giải quyết”.
|
Đến khi gió đã đổi chiều, ASEAN đã thông qua và công bố Tuyên bố chung, thậm chí cả một Tuyên bố chung dành riêng cho vấn đề về biển Đông chớ không chỉ một câu như trong khuôn khổ một Tuyên bố chung về đủ mọi việc trong và ngoài ASEAN như thường lệ, Tân Hoa xã buộc phải đưa tin và bấm bụng tuyên bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN phù hợp với chính sách của Trung Quốc về việc giải quyết biển Đông". Tuy nhiên, họ không kiềm chế sự bực tức của mình, chạy tít một đằng đầy hữu nghị, song lại diễn nghĩa một nẻo: "Các nguyên tắc này, có được sau chuyến "ngoại giao con thoi" hết sức bình sinh của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhằm khôi phục sự đoàn kết của ASEAN, một lần nữa cho thấy vai trò của các nước ASEAN hung hãn (nọ) bị cô lập trong nội bộ khối này về vấn đề biển Đông".
Có thật hai nước "hung hãn" này đã "bị cô lập" tại hội nghị ASEAN? Một tờ báo của chính nước chủ nhà là tờ The Cambodia Herald cũng thừa khách quan độc lập để giải thích Tuyên bố của ASEAN là gì và qua đó cũng cho thấy Việt Nam cùng Philippines có bị cô lập hay không trong hội nghị. Báo này trích dẫn phát biểu của ngoại trưởng Singapore: "Tuyên bố này là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Indonesia... Một số đề xuất được đưa ra tuần trước... và được rất nhiều nước thành viên ASEAN ủng hộ, rất giống với tuyên bố vừa được mọi nước chấp thuận"(2). Đọc The Cambodia Herald, có thể thấy Tuyên bố chung về biển Đông chính là dựa trên những gì mà Việt Nam và Philippines đã đưa ra tuần trước đó.
Giữa hai nguồn tin trên, "sự thật" nào là SỰ THẬT, của Tân Hoa xã hay của "thiên hạ"?
Làm gì với tuyên bố chung?
Câu trả lời có thể thấy ngay trong bài báo "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN phù hợp với chính sách của Trung Quốc về việc giải quyết biển Đông". Ở tít tựa hoan nghênh là như thế, song đến cuối bài lại kết luận một cách không kiềm chế, bôi bỏ sạch Tuyên bố chung: "Mặc dù đã đồng ý không làm cho vấn đề biển Đông thêm phức tạp và trầm trọng, theo đúng tinh thần DOC, các thành viên ASEAN đã thông qua những bước đơn phương vi phạm chủ quyền lãnh thổ trên biển của Trung Quốc" và ra điều kiện "chỉ khi nào các nước ký kết DOC đã thực thi DOC rồi thì mới có thể tiến đến ký kết và thực thi một COC mang tính ràng buộc pháp lý".
Một khi Tân Hoa xã không úp mở gọi Tuyên bố chung của ASEAN là "những bước đơn phương vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên biển" thì làm sao trông mong được rằng Tuyên bố đó của ASEAN được Trung Quốc tôn trọng, đặc biệt hai điều 5 và 6: "...tiếp tục kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên" và "... giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình"? Nhất là khi Tuyên bố chung này mới chỉ là của ASEAN cam kết với nhau, chớ đâu có liên quan gì tới Trung Quốc!
Ngay cả một DOC ký năm 2002 bởi một thứ trưởng Trung Quốc với chín bộ trưởng ASEAN cũng còn chưa ràng buộc gì được nhau, huống hồ tuyên bố riêng của ASEAN. Năm 2002 đó khi ký DOC, Trung Quốc còn chưa rêu rao "đường lưỡi bò", quả quyết "đây là chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi", mà "xổ toẹt" những giao ước đã ký kết, huống hồ là nay đã lấy "đường lưỡi bò" làm "lẽ sống". Mười năm trước, khi ký DOC Trung Quốc còn chưa buồn nghĩ đến việc xây dựng một "thành phố Tam Sa" trên biển đảo của người khác, huống hồ là nay khi đã thành lập "chính quyền" được một đơn vị cấp sư đoàn làm chỗ dựa, tập hợp mấy trăm tàu chiến cũ "chuyển ngành" thành nào là tàu hải giám, tàu ngư chính... Những con tàu trong lớp vỏ dân sự này thật ra chính là mồi lửa xung đột.
Báo cáo mới nhất hôm 24-7 của Tổ chức Chuyên nghiên cứu khủng hoảng (International Crisis Group) xem đây là nguy cơ hàng đầu trong bối cảnh "khả năng xung đột lớn còn thấp": "Số lượng tàu tuần tra dân sự ngày càng nhiều trong các vùng biển tranh chấp cho thấy đây chính là khả năng xung đột lớn nhất. Các tàu này đã từng can dự trong những sự cố gần đây. Mặc dù chỉ được vũ trang nhẹ hơn nhiều so với tàu hải quân và cũng tỏ ra ít đe dọa hơn, song các tàu thực thi pháp luật dân sự này lại dễ dàng được triển khai hơn và hoạt động dưới quyền những chuỗi chỉ huy lỏng lẻo hơn, từ đó sẵn sàng lao vào những vụ đụng độ nhỏ" (3).
DANH ÐỨC
Nguồn: TTCT
__________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét