theo dõi

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Một hành động côn đồ mới của Trung Quốc


Trung Quốc bàn chuyện bố trí quân sự tại Tam Sa

  Mới đây Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố cấp địa khu Tam Sa quản lý 3 quần đảo đang tranh chấp, và bị các nước khu vực cũng như quốc tế phản đối. Ấy vậy mà truyền thông nước này lại đang xôn xao bàn tán chuyện bố trí quân sự tại thành phố tự phong này.

Mô hình phát triển do Trung Quốc đề ra cho đảo Phú Lâm
Ngày 21/6/2012, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên công khai tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý 3 quần đảo tranh chấp trên Biển Đông, gồm Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa) và Trung Sa (bãi Macclesfield), với trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ và phản đối kịch liệt hành động vi phạm chủ quyền này.
Chưa hết, quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu việc thiết lập các cơ quan chỉ huy quân sự tại Tam Sa. Đó là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc được báo chí nước này loan tải ngày 28/6.
Trương Hải Văn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề về biển thuộc Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, sau đó nói rằng Tam Sa có thể trở thành mục tiêu của một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và do đó sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh tại đây là cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc bao gồm quyền đánh bắt, nghiên cứu khoa học và phát triển các nguồn tài nguyên hàng hải. Ông Trương cho biết sau khi thành lập Tam Sa, chính quyền địa phương sẽ đề ra một loạt các kế hoạch phát triển khu vực này, và vẫn theo lời ông, cần có sự bảo vệ của quân đội để thực thi các kế hoạch đó.

Đường băng hiện tại trên đảo Phú Lâm
Không ít người cho rằng thành phố Tam Sa sẽ là một phân khu quân sự vì cơ quan quân sự tương ứng với thành phố cấp địa khu là phân khu quân sự. Theo Phó Giáo sư Bạch Tú Lan thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trường Đảng Trung ương, là thành phố cấp địa khu, ở Tam Sa chí ít phải cần tới một sư đoàn đóng giữ, lục quân cần ít nhất là ba trung đoàn.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên “Nhật báo Đông Phương” số ra mới đây, học giả HongKong cho rằng sau khi thành phố Tam Sa được thành lập, dư luận Trung Quốc đều nói đảo Phú Lâm sẽ trở thành trung tâm chính trị, quân sự của 3 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa, cần phải tăng quân đồn trú. Rất nhanh sau đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh lên tiếng bày tỏ sẽ nghiên cứu vấn đề liên quan tới việc thiết kế cơ quan quân sự cho Tam Sa. Nhưng thiết kế thế nào?
Theo Liễu Tam Thiền, việc đóng quân hiện nay ở Tam Sa cần “tinh” chứ không cần “nhiều”, cấp bậc cơ quan quân sự có thể cao hơn, giống như HongKong. Đặc khu này chỉ tương đương với cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương ở Trung Quốc, nhưng cấp bậc đóng quân ở đây lại tương đương với cấp phó của Đại quân khu (Tư lệnh lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đóng ở HongKong hàm Trung tướng). Trên đảo Phú Lâm hiện đã có lực lượng hải quân đồn trú, nhưng không đủ. Đảo Phú Lâm cần được xây dựng “tàu sân bay không chìm ở Biển Đông”. Trung Quốc nên theo tư duy tác chiến “nhất thể hóa trên không trên biển” của Mỹ, quân đóng ở Tam Sa nên gồm lực lượng tinh nhuệ của cả hải quân, lục quân, lẫn không quân, thậm chí là cả pháo binh II (tên lửa chiến lược). Số lượng không cần nhiều, chỉ cần 1 đến 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến tinh nhuệ là đủ, không cần tới 1 sư đoàn bởi vì 3 trung đoàn quân với hàng nghìn người sẽ không đủ nước dùng, bảo đảm hậu cần khó khăn.

Trung Quốc dựng cờ trên một trong hai kiến trúc mới xây trên một đảo trong quần đảo Trường Sa
Liên quan tới vấn đề Tam Sa, trong bài viết trên báo “Thái Dương” của HongKong ngày 8/7, cây bút chuyên mục Phùng Hải Văn cho rằng việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa mới là “nước cờ hay” thứ nhất và vẫn chưa đủ. Ông này cho rằng hiện nay, Trung Quốc nên bổ nhiệm một vị tướng làm thị trưởng Tam Sa để biểu thị đầy đủ quyết tâm của Trung Quốc đối với chủ quyền Biển Đông cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền giống như khi xưa Đặng Tiểu Bình nói nếu HongKong không có quân đội Trung Quốc thì không thể nói HongKong là của Trung Quốc. Ngày nay cũng vậy, nếu Biển Đông không có quân đội Trung Quốc, nói Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc chỉ là nói suông. Do đó, nếu bổ nhiệm một vị tướng tại ngũ làm thị trưởng Tam Sa, đây sẽ là hành động biểu thị chủ quyền hữu hiệu nhất, cho thấy Trung Quốc có lực lượng quân đội thường trực ở Biển Đông.
Theo Phùng Hải Văn, mấy năm tới sẽ là giai đoạn then chốt cho việc tranh giành chủ quyền ở Biển Đông, những sự kiện như sự kiện đối đầu ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) sẽ không ngừng xuất hiện, ai chiếm thế thượng phong trong các cuộc đối đầu, người đó sẽ giành quyền kiểm soát Biển Đông. Muốn giành thế chủ động trong các sự kiện đối đầu, chỉ dựa vào đàm phán và đối thoại về cơ bản không thể làm cho các nước khu vực từ bỏ “hoang tưởng” của mình đối với Biển Đông và thủ đoạn hữu hiệu nhất là sử dụng sức mạnh quân sự cần thiết. Nếu thị trưởng Tam Sa là một vị tướng, sau này nếu xảy ra sự kiện như ở đảo Hoàng Nham, Chính phủ Trung Quốc có thể điều động tàu chiến dưới danh nghĩa chính quyền địa phương, nhanh chóng phản ứng, ra đòn đẩy lui khi đối phương chưa kịp phản ứng.
Theo giới phân tích, đây là một chỉ dấu mạnh mẽ chứng tỏ dã tâm của Bắc Kinh trong việc thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa.
Th.Long (Tổng hợp)
Nguồn:(Petrotimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét