(Petrotimes) - Quan hệ Trung Quốc và Philippines trong 2 tuần nay tăng nhiệt một cách đáng lo ngại. Tất cả xuất phát từ những tranh chấp giữa hai nước ngoài biển Đông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là nếu xung đột xảy ra, Mỹ có can dự vào hay không? Nhớ rằng Mỹ đã coi Philippines là đồng minh quân sự chiến lược.
Tờ Thái Dương của HongKong ngày 23/4 đăng bài của tác giả Cổ Lữ cho biết hiện nay Trung Quốc và Philippines vẫn đang đối đầu tại bãi cạn Scarboroug (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), không ai hoài nghi việc Mỹ đứng đằng sau Philippines, cũng không ai khẳng định Mỹ sẽ vì Philippines mà tham chiến với Trung Quốc. Tuy nhiên, tác giả tin rằng Mỹ chắc chắn sẽ đứng ngoài khi chiến tranh bùng nổ, giống như năm xưa khi Trung Quốc pháo kích đảo Kim Môn, chiến hạm của Mỹ lập tức rút ra ngoài phạm vi hỏa lực của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy rằng hiện nay Mỹ và Philippines đang tiến hành diễn tập quân sự chung “Vai kề vai”, nhưng quân Mỹ sẽ không bị cuốn vào một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines. Tại sao vậy? Theo tác giả, có ba lý do.
Thứ nhất, Mỹ không có đầy đủ lý do can thiệp quân sự vào cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines.
Thứ hai, từ sau Chiến tranh Triều Tiên của thế kỷ trước, điều lệnh của quân đội Mỹ đã quy định: Không được xung đột quân sự trực tiếp với Trung Quốc, càng không được khai chiến với Trung Quốc. Tới thế kỷ này, quân lực của Trung Quốc phát triển mạnh, Mỹ tuyệt đối không nắm chắc phần thắng trong chiến tranh với Trung Quốc, lẽ nào lại có thể vì một nước Philippines nhỏ bé mà gây chiến với Trung Quốc?
Thứ ba, đó là sự phát triển mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ được lợi ích rất lớn từ thị trường Trung Quốc, vì thế càng không thể vì Philippines mà gây chiến với Trung Quốc.
Con số thống kê cho thấy mỗi một thập niên, quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung lại có những bước tiến vượt bậc. Báo cáo Thường niên của Ủy ban Thương mại Mỹ-Trung công bố mới đây cho biết trong năm 2011, xuất khẩu mậu dịch của Mỹ sang Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt 103,9 tỷ USD. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới của Mỹ, chỉ sau hai nước đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với Mỹ là Canada và Mexico. Báo cáo cũng chỉ rõ: xuất khẩu sang Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của kinh tế Mỹ cũng như việc tạo việc làm cho công nhân Mỹ. Rõ ràng, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với sức sống của nhiều công ty Mỹ.
Ngoài ra, theo báo cáo, trong giai đoạn 2000-2011, lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng gấp 5,42 lần, vượt trội so với lượng hàng hóa của Mỹ sang các thị trường khác trong cùng thời kỳ. Trong vòng 10 năm, giá trị tăng trưởng tuyệt đối về hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 80,8 tỷ USD, chỉ đứng sau Cadana. Từ năm 2000 đến nay, trong số 50 bang của Mỹ, có 48 bang có mức tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc gấp 2 lần trở lên, trong đó 10 bang tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ trong 2 năm.
Đối với Mỹ, Trung Quốc rõ ràng là thị trường có tiềm lực rất lớn. Theo tác giả, chỉ cần Mỹ không tự đặt ra rào cản cho chính mình, chỉ không đến vài năm, Trung Quốc có thể vượt lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Dù tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là nhanh nhất, nhưng đối với một nước lớn với dân số gần 1,4 tỷ người như Trung Quốc, số hàng xuất khẩu trị giá hơn 100 tỷ USD mỗi năm của Mỹ vẫn quá nhỏ. Số liệu của phía Trung Quốc cho thấy Mỹ chỉ đứng thứ 5 trong số thị trường nhập khẩu của Trung Quốc với 122,2 tỷ USD, không bằng Hàn Quốc và Đài Loan. Chỉ cần Mỹ có thể căn cứ vào chương trình tăng gấp đôi xuất khẩu trong 5 năm mà Tổng thống Obama đưa ra, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc có thể dễ dàng vượt qua mốc 200 tỷ USD.
Cho tới giờ này, Mỹ vẫn tỏ thái động trung lập trước những tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Khi các phương tiện truyền thông của Philippines hỏi về quan điểm của Mỹ trong vấn đề bãi cạn Scarboroug, các quan chức chính phủ Mỹ đều nhấn mạnh rằng Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này, và rằng Washington hi vọng những xung đột như vậy sẽ được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan và phù hợp với luật pháp quốc tế.
H.Phan (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét