theo dõi

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Thê lương nghĩa trang hoạn quan duy nhất ở Việt Nam


(Thâm cung bí sử) - Hầu hết các ngôi mộ trong nghĩa trang thái giám đều bị rêu phong phủ kín, nhiều mảng tường đổ vỡ. Không gian vắng lặng không một bóng người qua lại khiến cho người ta có cảm giác cô đơn, lạnh lẽo đến rợn người.


Tất cả số mộ này được chôn theo ba hàng, theo đó hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan Thái giám xưa.
Bao quanh khu nghĩa trang là bốn bức tường cao, dựng theo hình chữ nhật, ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao của các vị thái giám, hai bên là cổng ra vào. Trên các ngôi mộ còn nguyên vẹn, có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất.
Dẫn chúng tôi đến ngôi mộ số 22 nơi có khắc dòng chữ Hán rõ ràng, ông An dịch: “Hoàng triều Cung Giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, người ở thôn Nhi, xã Hoàng Công, tổng Hoàng Công, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Mất ngày 15 tháng giêng năm Khải Định thứ V (1920)”.
Cổng vào khu nghĩa trang cô quạnh, lạnh lẽo.
Cổng vào khu nghĩa trang cô quạnh, lạnh lẽo.
Theo tục lệ, cứ đến rằm tháng 11 hàng năm, chùa từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có thái giám triều Nguyễn.
Có lẽ một phần nhờ sự lãng quên của người đời mà mặc dù trải qua các giai đoạn chiến tranh ác liệt mà phần lớn những ngôi mộ này vẫn nguyên vẹn và đa phần đều đọc được rõ chữ. Theo lời dịch lại của một sư cụ trong chùa thì lời lẽ trên tấm bia trước cổng nghĩa trang khiến hậu thế không khỏi chạnh lòng:
“Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy được ở đây sự yên bình”. Phận đời đưa đẩy khiến nhiều thái giám có một nỗi sợ mãnh liệt hơn cả cái chết.
Chết ở đâu, chết lúc nào..., theo họ giờ không quan trọng mà quan trọng nhất là được chết toàn thây, được chết cạnh cái mà mình đã cắt bỏ đi để khi về thế giới bên kia mình được chứng nhân là đã trải qua một kiếp con người.
Theo nhiều người cao tuổi kể lại, vào cái ngày “thất thủ kinh đô” (1885), khi trận phục thù của tướng quân Tôn Thất Thuyết thất bại, quân Pháp phản công dữ dội, người người chạy đạp lên nhau để thoát thân.
Trong Tử Cấm Thành, các vua chúa, cung nữ, quan lại... cũng hoảng loạn tìm đường tháo chạy, chỉ riêng các thái giám cũng chạy đi chạy lại nhưng không phải tháo thân mà là tìm cái “thực khí” của mình đã cắt bỏ khi vào cung để dù có chết cũng không phải hối hận gì.
Giữa chốn đô thành náo nhiệt, mặc cho sự biến đổi vạn năng của thời gian, chùa Từ Hiếu vẫn trầm tĩnh như thuở ban đầu vốn có, bởi sự bao trùm tĩnh mịch của không gian, thời gian và 22 ngôi mộ kia vẫn lặng yên như chưa bao giờ được ai biết tới. Đó cũng là cái kết đáng buồn cho cuộc đời của những con người “sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận”.
Đứng trước ngôi mộ của thái giám Trần Kỉnh (người thôn Ba Nan, xã Từ Diêu, tổng Từ Diêu, huyện Diêu Trì, phủ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), trụ trì chùa Từ Hiếu, Đại đức Thích Chí Mậu kể: “Theo các vị sư già trong chùa kể lại thì thái giám Trần Kỉnh phục vụ dưới triều vua Khải Định.
Ông vốn là một giám lặt chuyên lo chuyện chăn gối, ân ái cho vua. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà chỉ mới làm được hai năm, ông đã bị đánh què chân đuổi về giam lỏng ở Cung giám viện. Có thể do vị thái giám này đã không ‘tế nhị’ trong việc ghi chép lịch ân ái của vua Khải Định, một ông vua bị nghi ngờ là ái nam, ái nữ”.
Các thái giám dưới triều Nguyễn
Các thái giám dưới triều Nguyễn
Sống những ngày cuối đời với nỗi đau tàn tật trong bốn bức tường của Cung giám viện, thái giám Trần Kỉnh càng xót xa, đau đớn trước sự nghiệt ngã của cuộc đời. Ông nhiều lần xin đại tổng quản cho về quê cũ ở Bình Định để được chết bên người thân nhưng triều đình không cho.
Đến phút cuối đời, thương phận người thái giám bất hạnh, các thái giám khác đã bí mật chôn ông ở nghĩa trang thái giám trong chùa Từ Hiếu.
Những linh hồn bị lãng quên
Hầu hết các ngôi mộ trong nghĩa trang thái giám đều bị rêu phong phủ kín, nhiều mảng tường đổ vỡ. Không gian vắng lặng không một bóng người qua lại khiến cho người ta có cảm giác cô đơn, lạnh lẽo đến rợn người.
“Cùng nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiều nhưng khách thập phương chỉ quan tâm đến cúng bái, hành hương ở đại điện chứ mấy ai để ý đến các ngôi mộ này. Nếu không có các sư của chùa ngày ngày ra quét dọn và hương khói thì chắc các ngôi mộ này đã bị hủy hoại theo thời gian rồi”, Đại đức Thích Chí Mậu cho biết.
Gọi nơi đây là nghĩa trang nhưng chỉ có những ngôi mộ cô đơn, lặng lẽ bên bốn bức tường, 22 nấm mộ nằm trơ trọi phủ kín rêu phong, không ai nhang khói. Tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà nghiên cứu Huế, Nguyễn Đắc Xuân nói trong lễ hội Festival 2012:
“Dẫu biết rằng không có gì là vĩnh cửu và mọi thứ rồi cũng dần đi vào quên lãng theo thời gian nhưng sao cũng quá đắng lòng và ngậm ngùi trước số phận của những con người một thời trung thành phục vụ trong cung cấm.
Những phận đời cung nữ, phi tần, thị vệ, binh lính... chốn hoàng cung đều được phục dựng nhưng chỉ có các thái giám là ít khi xuất hiện. Phải chăng người đời sau vẫn coi thường và có cái nhìn miệt thị đối với tầng lớp này”.
Những giọt nước mắt mà cho đến ngày hôm nay, mấy ai trong chúng ta còn nhớ tới hay biết tới? Mấy ai từng ít nhất một lần thắp một nén hương lên mộ của những số phận bị lãng quên ấy?
Phía cuối khu dãy mộ, cụ Nguyễn Thị Sen (82 tuổi, người làng Thủy Xuân) đang lúi húi dọn dẹp lại đống cỏ mọc cao quá đầu gối. Tìm hiểu qua vị trụ trì mới hay, cụ vốn có một người chú ruột từng làm thái giám trong triều đình nhà Nguyễn.
Nhưng vì vi phạm một lỗi nhỏ và vị thái giám đó đã bị giam đói cho đến chết. Lúc chết đi, người ta mang xác của vị thái giám đó chôn ở đâu, người nhà cụ Sen cũng không rõ.
“Phải hai năm sau khi chú tôi chết, người thân mới hay tin nên đổ xô đi tìm thi thể. Nhưng dù đã hỏi han khắp nơi cũng không tìm thấy xác. Một số người mách rằng, các thái giám khi chết đều được đưa về khu nghĩa trang thái giám ở chùa Từ Hiếu.
Tôi cùng mấy anh em nữa nhờ các nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử tìm kiếm giùm nhưng không thấy” cụ Sen kể. Từ đó, cụ thường xuyên lui tới khu nhà mồ này để chăm lo hương khói cho các vong linh thái giám.
Rảo bước chân xung quanh khu nghĩa địa thì chúng tôi mới chứng kiến tận mắt những ngôi mộ thái giám thật quạnh quẽ và trở nên hoang vắng. Quanh năm suốt tháng ít có người lai vãng vào đây, những nấm mộ lại càng trở nên thê hương, tẻ nhạt.
Nhìn từ xa khu mộ không còn nguyên vẹn nữa, tường thành xung quanh đã đổ nát, cỏ cây, rác rưởi phủ đầy lăng mộ. Có những ngôi mộ bị mưa nắng bào mòn, chỉ còn một nhúm đất cát sỏi, trên những ngôi mộ chỉ có một vài nén hương cắm từ lúc nào mà đã mục nát. Nhìn những ngôi mộ thái giám ai cũng phải chạnh lòng chua xót.
Chúng tôi gặp bác Trần Thị Vinh đang vào chùa thắp hương, bà chia sẻ: “Cứ vào ngày mồng 1 và rằm tôi đều vào chùa để thắp hương cho các mộ thái giám ở đây. Tôi thấy họ thật đơn độc quá, thắp cho họ nén hương như để họ an giấc nơi chốn cô quạnh.
Cuộc đời con người ta không có con cái thì cũng có người thân trong gia đình chăm lo phần mộ. Nhưng những thái giám ở đây cũng bị chính người thân của họ ruồng bỏ, miệt thị”.
Giữa chốn đô thị ồn ào và náo nhiệt, mặc cho thời gian thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì những ngôi mộ ở chùa Từ Hiếu không hề có gì thay đổi, vẫn cái không gian trầm lắng u tịch.
Thế nhưng, sự xuống cấp của những ngôi mộ thì ngày một trầm trọng không hề ai hay, đó cũng là lời kết “đáng buồn thay” cho cuộc đời của những con người sinh ra “không đàn ông cũng chẳng đàn bà”.
Bất chợt tôi thấy nao lòng về số phận của những người từng một thời làm Thái Giám. Thấy tôi đầy tâm trạng, nhà nghiên cứu Huế, Phan Thuận An kể:
“Cuộc đời người thái giám rất nghiệt ngã, đau đớn. Cho đến lúc chết họ mới lấy lại được “của quý” của mình để mang theo về nơi chín suối. Đó là một tập tục được quy định rất rõ trong giới thái giám ở hoàng cung”.
Trước khi bị thiến để thành thái giám, người đó sẽ được giữ lại “của quý” của mình. Một số người thì đưa đi chôn để vĩnh viễn quên đi “một đời trai”, chấp nhận cuộc sống câm lặng, buồn tẻ chốn hậu cung.
Nhưng cũng có người “ngâm” của quý trong rượu để chống phân hủy nhằm lưu giữ lại làm kỷ niệm. Trong góc xép nhỏ nằm ở phía Bắc Cung giám viện có chứa hàng chục bình rượu, trong đó đều là những “của quý” của các thái giám bị thiến được ghi rõ tên tuổi, ngày thiến.
Đến lúc chết, thái giám sẽ lấy “của quý” đó ra chôn theo xuống mồ. Tuy nhiên, theo ông An, không phải vị thái giám nào cũng được trả lại “của quý”. Bởi việc lưu giữ dương vật thái giám là điều tối kị trong cung, chỉ được lén lút thực hiện.
Nên khi sự việc bị vỡ lở, thái giám có thể sẽ phải đánh đổi bằng chính tính mạng của mình. Nhiều người đau khổ, buồn tủi đã lén trộm bình chứa “của quý” mang về cất trong phòng, chờ ngày nằm xuống sẽ chôn theo.
Câu chuyện về cuộc đời những vị thái giám chốn cung cấm cứ thế nối dài. Nhìn những ngôi mộ mang số kiếp cô đơn, lặng lẽ nơi bốn bức tường của khu nghĩa trang, tôi bất giác tưởng tượng đến cuộc đời của các hoạn quan khi xưa. Họ sống trong cô đơn, buồn tủi và khi chết đi cũng lạnh lẽo, bơ vơ.
Kỳ I: Thê lương nghĩa trang hoạn quan duy nhất ở Việt Nam
  • Mai Nguyễn
  • Nguồn: Phụ nữ today

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét