Sự “lơ là” của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương trong một thời gian dài đã tạo ra cơ hội để Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển.
Đó là kết luận tổng quát phản ánh qua báo cáo mới nhất về tiến trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc do Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) thực hiện. Báo cáo mang tên China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities - Background and Issues for Congress vừa được trình lên Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 3 và đăng trên website của CRS là Opencrs.com. Thông tin và số liệu được thu thập từ báo cáo thường niên về tình hình quân sự thế giới của Lầu Năm Góc, báo cáo về hải quân Trung Quốc do Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ tổng hợp và các nguồn mở khác như tạp chí quân sự IHS Jane’s.
Cụm từ hiện đại hóa hải quân trong báo cáo trên để chỉ sự hiện đại hóa không chỉ diễn ra trong hải quân mà còn ở các khía cạnh khác nhằm tăng sức mạnh trên biển của Trung Quốc như tên lửa đối hạm trên bộ (ASBM), tên lửa đất đối không (SAM), máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa đối hạm (ASCM) và radar tầm xa…
Bên cạnh đó, theo một báo cáo khác chuẩn bị trình lên Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung của chính phủ Mỹ, các chuyên gia chỉ trích Washington không đánh giá đúng tốc độ phát triển của quân đội Trung Quốc. Hậu quả là Lầu Năm Góc không đưa dự đoán chính xác về thời điểm Bắc Kinh phát triển được ASBM và máy bay tàng hình, theo AFP.
Trung Quốc bị cho là đang thiếu hụt tàu chống thủy lôi - Ảnh: CRS |
Những khí tài trọng tâm
Chiếm vị trí đầu tiên trong bảng đánh giá của CRS là tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM), cụ thể là DF-21D, được cho là phiên bản mới của dòng tên lửa tầm trung di động DF-21. Theo đó, DF-21D có tầm bắn hơn 1.500 km với mục tiêu chống tàu chiến lớn, bao gồm cả tàu sân bay. Giới quan sát còn cho rằng đầu đạn của tên lửa này là sự kết hợp giữa cảm biến radar và quang học để tìm diệt đối tượng và liên tục thay đổi hành trình tùy theo chuyển động của mục tiêu. Đầu đạn được nhồi một khối lượng chất nổ lớn hoặc đạn chùm. Kế đến là tên lửa hành trình đối hạm (ASCM) và dòng mạnh nhất trong nhóm này là SS-N-22 Sunburn do Nga chế tạo và SS-N-27 Sizzler cũng xuất xứ từ Nga (được triển khai trên 8 tàu ngầm lớp Kilo). Hiện Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm ASCM tầm xa CH-SS-NX-13, phù hợp triển khai cho toàn bộ các tàu ngầm lớp Tống, Nguyên, Thượng và tàu ngầm mới đang đóng là Type 095.
Mỹ cũng rất quan tâm đến tàu ngầm của Trung Quốc khi chính Bắc Kinh từng nhấn mạnh đây là một trong những lực đẩy chính cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Bên cạnh các tàu lớp Kilo của Nga, Trung Quốc đang tích cực triển khai các lớp tàu nội địa mới, gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thượng và Hán, tàu lớp Nguyên và tàu lớp Tống. Đó là chưa kể tàu ngầm Type 095 sẽ được triển khai vào năm 2015. Báo cáo của CRS ước tính đến năm 2012, Trung Quốc có khoảng 46 tàu ngầm, nhưng theo website về thông tin quân sự Globalsecurity.org thì con số này lên tới hơn 60, tập trung nhiều cho các hạm đội Đông Hải và Nam Hải.
Do tàu sân bay Trung Quốc bị cho là chưa thể sớm đưa vào thực chiến và còn nhiều hạn chế nên tàu khu trục hiện vẫn là tàu chiến nổi lớn nhất của nước này. Các tàu khu trục hiện nay có thiết kế và trang bị gần với tàu chiến phương Tây hơn là Liên Xô với tổng cộng khoảng 25 tàu thuộc các lớp nội địa Lữ Dương, Lữ Hải, Lữ Châu, Lữ Hỗ và Lữ Đại cũng như lớp Sovremenny do Nga sản xuất. Cũng theo Globalsecurity.org, Trung Quốc hiện có gần 50 tàu hộ vệ và rất nhiều tàu đổ bộ cũng như khinh hạm tấn công mang tên lửa phân bố đều cho các hạm đội.
Bên cạnh đó, giới quan sát đánh giá rằng do chỉ mới lộ rõ và bắt đầu thực thi chiến lược vươn ra các vùng biển xa gần đây nên hải quân Trung Quốc thiếu trầm trọng các tàu rà quét, phát hiện và chống thủy lôi. Bắc Kinh đang cố gắng khắc phục nhưng tình trạng này sẽ còn kéo dài trong tương lai gần.
Chiến lược chống tiếp cận
Báo cáo của CRS cho rằng Trung Quốc muốn quân đội có khả năng đóng vai trò gọi là lực lượng chống tiếp cận, giống như lực lượng ngăn chặn biển mà Liên Xô triển khai trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, các mục tiêu khác trong chiến lược phát triển hải quân Trung Quốc còn nhằm xác định, đòi quyền lợi trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này ở biển Hoa Đông và biển Đông, cũng như làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương. Đây là điểm gây chú ý trong chiến lược hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc vì nếu chỉ nhằm đối phó Đài Loan thì không cần đến tàu sân bay hay hàng loạt tàu khu trục và tàu tấn công đổ bộ.
Theo báo cáo, hải quân Mỹ cần phải duy trì tối thiểu đội tàu 313 chiếc hiện diện thường trực nếu muốn duy trì ảnh hưởng liên tục tại Thái Bình Dương. Các nhà phân tích của CRS cũng đã đề cập khái niệm tác chiến không - biển mà Lầu Năm Góc đang hướng đến nhằm đối chọi chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc. Nói cách khác, tác chiến không - biển là phiên bản hiện đại của chiến lược Mỹ từng dùng để đối phó Liên Xô khi trước, phối hợp chặt chẽ nguồn lực và năng lực chiến đấu của hải quân và không quân.
Thụy Miên
Nguồn: Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét