theo dõi

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Khi nhà nước “cãi lý”


EVNĐối với người dân và DN, mất điện là mất điện. Nhưng đối với nhà đèn. Mất điện gồm tỷ thứ lý do nghe rất quen tai, rằng “do quá tải cục bộ”, do lý do “bất khả kháng”, thậm chí, do người dân dùng nhiều
Hồi đầu tháng, các báo đồng loạt đưa một tin lạ: Bộ Quốc phòng đồng ý bồi thường trước cái chết của một con vẹt. Nguyên nhân, tiếng động cơ từ một chiếc máy bay khiến con vẹt giật mình và ngã gây tử vong
. Đây hoàn toàn không phải là một “bản tin ngày cá”, bởi “Bộ Quốc phòng” đồng ý bồi thường trong bản tin là Bộ Quốc phòng Anh, và số tiền bồi thường “lỗi nhà nước” cho các thiệt hại của người dân, trong trường hợp này là chủ con vẹt, không chỉ là 2.200 bảng, mà là 1,4 triệu bảng, cho khoảng 200 đơn kiện, ngay và luôn, không cãi lý “bất khả kháng”, trong 3 năm qua.
Một trong những nguyên tắc bất biến của mỗi một nhà nước, dù tuyên bố hay không tuyên bố các thuộc tính đi kèm “do dân, vì dân” là tính chịu trách nhiệm. Nhà nước có lỗi, hay công chức nhà nước có lỗi và gây thiệt hại cho dân thì nhà nước bồi thường. Rất đơn giản.
Nhưng điều đơn giản đó thực ra không phải dễ thực hiện.
Khi Dự thảo nghị định về xử phạt trong lĩnh vực điện lực vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân, với một tâm thế hoài nghi phổ biến, người dân lập tức đặt câu hỏi trước quy định: Xử phạt từ 8-10 triệu đồng đối với hành vi cắt điện không báo trước.
Không hoài nghi không được khi thời sự là hai sự cố đặc biệt nghiêm trọng diễn ra chỉ trong chưa đầy một tháng: 22 tỉnh toàn miền Nam mất điện, xảy ra hôm 22.5. Toàn bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đột ngột mất điện khiến Vietnam Arlines bị chậm 12 chuyến bay với hơn 1.000 hành khách bị delay.
1.000 hành khách bị delay có phải là một thiệt hại lớn từ sự cố điện không?
22 tỉnh miền Nam mất điện có phải là thiệt hại lớn không chỉ đối với người dân, với doanh nghiệp mà cả nền kinh tế không?
Bản thân câu hỏi cũng là câu trả lời.
Cuối tuần trước, trao đổi với báo chí về sự cố mất điện trên diện rộng và trách nhiệm của EVN, trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVN Võ Quang Lâm đã nói về một sự “bất khả kháng”. Còn việc xác định trách nhiệm bồi thường trong sự cố mất điện 22 tỉnh, đại diện EVN nói “Việc này EVN đang thống kê, sẽ báo cáo cơ quan chức năng của nhà nước. Luật cũng quy định rất rõ về thế nào là bất khả kháng, thế nào là chủ quan, nên chúng tôi cũng không thể làm gì khác được”.
Đối với người dân và DN, mất điện là mất điện. Nhưng đối với nhà đèn. Mất điện gồm tỷ thứ lý do nghe rất quen tai, rằng “do quá tải cục bộ”, do lý do “bất khả kháng”, thậm chí, do người dân dùng nhiều.
Nhiều khả năng, vụ bồi thường cho “sự cố trăm năm” sẽ là lời giải thích “bất khả kháng” mà cuối cùng người phải chịu hậu quả sẽ vẫn là người dân, là doanh nghiệp.
Còn nhớ chính Cục trưởng Cục bồi thường nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh từng phát biểu: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường”. Thật khó tin khi trong suốt 3 năm luật có hiệu lực, một ngành va chạm nhiều như ngành kiểm sát lại chưa có vụ đòi bồi thường nào. Nhưng lại rất dễ hiểu khi trong luật có quy định “Cơ quan nào gây thiệt hại cũng chính là đơn vị giải quyết bồi thường ban đầu”.
Tức là có vô số lý do đã, đang, và sẽ được dùng để “cãi lý”, không ngoại trừ cả lý do “bất khả kháng”.
Vì thế, chừng nào mà cơ quan nhà nước còn có quyền “cãi lý” với những thiệt hại, dù có thật, của người dân, chừng nào những “lỗi nhà nước” còn được hiểu và nhìn nhận bằng những cái chặc lưỡi, thì khó hy vọng một nghị định, với những mức phạt giống y một sự xoa dịu dư luận, sẽ là một thứ bảo bối răn đe hữu hiệu tình trạng “điện cúp cái rụp”.
Nguồn: Blog Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét