theo dõi

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Philippinnes kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế: Thắng lợi sẽ thuộc về chính nghĩa


Câu chuyện Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển đang hút sự quan tâm của dư luận. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy trong cuộc trò truyện với Đại Đoàn Kết khẳng định: Chưa biết kết quả của vụ kiện này ra sao nhưng việc Philippines quyết định kiện Trung Quốc là hành động dũng cảm đáng hoan nghênh. Các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có liên quan trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc cần ủng hộ việc làm này của Philippines để chống lại những hành vi ngang ngược muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.



Ông Dương Danh Dy
Ảnh: Hoàng Long

PV: Một đất nước được coi là nhỏ bé hơn rất nhiều so với Trung Quốc nhưng Philippines lại dám kiện nước này ra Tòa án quốc tế, ông bình luận gì về sự kiện này?

Ông Dương Danh Dy: Việc Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế có nhiều ý nghĩa quan trọng. Việc làm này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo các nước trong khu vực và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Thứ nữa, trong bối cảnh Biển Đông đang phải chứng kiến hàng loạt hành động phi pháp, bất chấp luật pháp của Trung Quốc thì động thái dùng vũ khí luật pháp quốc tế để thể hiện thái độ không khoan nhượng là cần thiết. Tại sao tôi lại nói đây là hành động cần thiết vì một loạt các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nếu không bị điều chỉnh trong suốt thời gian dài sẽ nghiễm nhiên được coi là hợp pháp. Và "Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra nhằm bao trọn Biển Đông vô hình trung sẽ được thừa nhận, nếu các nước khác có tranh chấp không liên tục lên tiếng phản đối. Tiếp đến, trước vụ kiện này, theo tôi được biết, phía Trung Quốc tỏ thái độ 2 mặt. Một mặt họ nói rằng Đại sứ của Trung Quốc ở Philippines tuyên bố không đồng ý vấn đề này; nhưng một mặt lại đưa tin rằng Philippines vẫn muốn làm bạn với Trung Quốc. Ngay trong cách hành xử của Trung Quốc với một sự việc cụ thể họ đã tự mâu thuẫn với chính mình.

Nếu Trung Quốc cương quyết không đến Tòa án quốc tế thì phiên tòa này có diễn ra không thưa ông?

Theo tôi, chắc chắn Trung Quốc không đến. Nhưng nếu Tòa án quốc tế về Luật Biển thấy hội đủ điều kiện cần thiết để tiến hành thì phiên tòa vẫn sẽ diễn ra bất chấp có sự tham gia của phía Trung Quốc hay không. Tôi cho rằng ý nghĩa lớn nhất của việc Philippines kiện Trung Quốc đã gây một tiếng vang lớn khiến dư luận thế giới hiểu chuyện ở Biển Đông. Vì vậy, dù Tòa án quốc tế có ra phán quyết thế nào đi chăng nữa Philippines đã giành được những thắng lợi ban đầu. Đó là thắng lợi về mặt tinh thần.

Theo ông Việt Nam có nên làm như thế  không, nếu Trung Quốc vẫn có hành động gây hấn ở vùng đặc quyền kinh tế của nước ta?

Còn nhớ hồi tôi còn đương chức, một số bạn bè ở một số nước trong khối ASEAN đã hỏi tôi rằng: Tại sao Việt Nam lại quá nín nhịn Trung Quốc đến như vậy, cần có những biện pháp đối phó Trung Quốc đi chứ? Tôi đã trả lời lại rằng: Nếu đổi lại nước anh là nước tôi cũng sẽ có những hành động thận trọng như Việt Nam. Không thể đòi hỏi Việt Nam phải có những phản ứng với Trung Quốc như Philippines, như Nhật Bản được. Vì vậy tôi rất tán thành rằng: Với Trung Quốc, chúng ta là nước nhỏ. Nói chung, theo kinh nghiệm của cha ông, chúng ta phải nín nhịn. 

Nhưng sự nhẫn nhịn cũng đến mức nào đó thôi. Mình phải có động thái, hành động đối phó với Trung Quốc nếu họ có những hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế. Tôi tin, nếu thế giới biết chuyện một nước lớn suốt ngày chèn ép nước nhỏ chắc chắn đông đảo nhân dân trên toàn thế giới sẽ đứng về phía Việt Nam. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng sau vụ kiện của Philippines, Việt Nam cần tính toán những bước đi cụ thể để đối phó với Trung Quốc. 

Hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã khác. Việc liên tiếp các đoàn khách quốc tế, nhất là của các nước lớn trên thế giới đến Việt Nam hay việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến công du đến các nước Châu Âu chứng minh sự lớn mạnh của Việt Nam. Vì thế, phải xúc tiến tuyên truyền để thế giới biết sự thật về những hành vi gây hấn, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực của Trung Quốc để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Ly (thực hiện)
Đại đoàn kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét