theo dõi

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…

130111103940_nguyen_ba_thanh_464x261_facebookletuonglan-300x168
Tháng 10-2001, nhậm chức chủ tịch ủy ban được bốn tháng, tôi dự cuộc họp Chính phủ có Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì cùng các phó thủ tướng Vũ Khoan, Nguyễn Công Tạn. Với tâm trạng “phút 89” ấy nên khi dự hội nghị, tôi mạnh dạn phát biểu: “Sự trì trệ của bộ máy là do cơ chế tổ chức. Cụ thể là tôi làm chủ tịch tỉnh mà không có quyền thay đổi cán bộ sở, kể cả trưởng phòng. Và ngay như hiện nay, đến Thủ tướng cũng không dễ cách chức được tôi, vì tôi là do tỉnh ủy cử và nhất là do Bộ Chính trị quản lý”.

Tôi theo dõi thái độ Thủ tướng và các phó thủ tướng, ai nấy đều rất vui vẻ. Tôi bước xuống trong sự tán thưởng của hội nghị. Anh Đoàn Mạnh Giao, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khi đi ngược chiều với tôi lên để giới thiệu người phát biểu kế tiếp, ngang tôi anh kê vào tai nói: “Ông nói hay quá, tôi thay cậu tài xế mà cũng không được”.
Đến lượt anh Nguyễn Bá Thanh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Tôi thấy đại hội vừa xong, phân công cấp ủy viên mới rồi, hay cơ quan đang ổn định biên chế công tác, bỗng dưng rút người ra đi học. Làm vậy khác nào đội banh có 11 người, ông rút ra một người không đá thì đội hình còn lại làm sao mà đá? Còn nói cách chức cán bộ thì cỡ trưởng phòng thôi, mới bàn mà nó nghe thì nó tính cách chức mình trước rồi”. Hội trường vỗ tay!
Đến phiên anh Út Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phát biểu thì vừa có duyên vừa “văn chương” sinh động ngược với vẻ bề ngoài: “Thơ ông Tố Hữu có câu: Đảng ta có trăm tay (tai) nghìn mắt. Câu này suy ra: Đảng ta có 50 người làm mà có đến 500 người ngồi nhìn thì ai mà dám làm, làm sao chịu nổi?!”. Cả hội trường lại vỗ tay và cười rộ.
Hội nghị Chính phủ tháng 10-2001 trở thành kỷ niệm để đời trong tôi. Và có lẽ đối với Thủ tướng Phan Văn Khải cũng vậy, gặp nhau ông hay nói: “Hội nghị mà có Bảy Nhị, Út Phương, Bá Thanh là vui lắm”. Tại hội nghị Chính phủ tháng 10-2003, khi phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nói: “Hội nghị Chính phủ năm sau (2004) chúng ta không nghe được Bảy Nhị và Út Phương phát biểu nữa, sẽ rất buồn, vì hết khóa này hai người không còn làm chủ tịch nữa. Lần họp này xem như Chính phủ chia tay hai người!”. Tự nhiên tôi thấy Thủ tướng trở nên thân tình vì ông hiểu được cán bộ, hiểu được cái khó của cơ chế.
Tôi và anh Út Phương nghỉ hưu từ sau Đại hội X, nay ngót hơn bảy năm, chỉ còn anh Bá Thanh – bí thư Đà Nẵng – tiếp tục công tác, để lại cho Đà Nẵng những dấu ấn và tiếng lành vang cả nước. Nay anh cũng tròn 60 tuổi, tuổi sung mãn của một chính khách như thường thấy ở các nước khác, nhưng ở ta thì anh cũng đang ở “phút 89” như tôi năm nào. Có điều cái thế và lực của anh có khác hơn: ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương. Với thế và lực vượt trội này, nếu thành công, chỉ vài phút đầu lịch sử thì cái tuổi và nhiệm kỳ công tác của anh sẽ còn “thêm hai hiệp phụ” để dứt điểm cái thế nhùng nhằng với tham nhũng đã thành quốc nạn hiện nay!
Tôi hi vọng và kỳ vọng ở anh, như mấy ngày nay dư luận rộn ràng trên các báo in và báo mạng sau tin anh được Đảng điều về Hà Nội. Những dòng ghi nhớ chuyện vui cũ, vừa là hưởng ứng cùng tình cảm chung của mọi người với anh Bá Thanh, vừa như góp phần phản ánh những chi tiết nhỏ của những lỗi khó sửa mà trên cương vị công tác mới, anh Bá Thanh sẽ gặp như là những vật cản không dễ vượt qua, để các nhà lập pháp nghiên cứu tháo gỡ cho quốc dân nhân sửa Hiến pháp lần này.
(Long Xuyên, ngày 12-1-2013. Viết gửi anh Nguyễn Bá Thanh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét