TP - Các cây xăng bắt đầu găm hàng, chỉ dấu đáng buồn cho thấy một đợt tăng giá mới đã cận kề. Các doanh nghiệp xăng dầu lại lăm le đòi tăng giá sau 3 lần tăng liên tiếp chỉ trong vòng 3 tuần.
Có lẽ đây cũng là tốc độ tăng giá dồn dập nhất, đạt mức kỷ lục dưới thời Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc liên tục cho phép tăng giá xăng dầu trong thời điểm khó khăn này chỉ phục vụ lợi ích cho chính các doanh nghiệp xăng dầu, song bất lợi cho cả nền kinh tế lẫn người dân.
Từ thực tế diễn biến giá xăng dầu vừa qua, từ phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, việc điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập. Giá xăng dầu đang bị “thả nổi” giữa lúc thị trường này vẫn còn nhiều yếu tố độc quyền.
Theo các chuyên gia, cần xem xét lại cách tính giá của doanh nghiệp xăng dầu, họ lỗ thật hay không phải căn cứ theo lượng nhập thực tế những ngày qua cộng với hàng tồn.
Nếu khi giá thế giới tăng, họ nhập nhỏ giọt, khi giá hạ mới nhập nhiều thì khó có thể đòi tăng giá liên tục như vừa qua, chưa kể họ luôn được bao cấp 300 đồng/lít “lợi nhuận định mức”.
Các chuyên giá cũng chỉ rõ một góc khuất khác, đó là chi phí doanh nghiệp hiện vẫn chưa được kiểm soát, chưa có biện pháp buộc các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải quản lý điều hành hiệu quả, giảm tối đa chi phí. Đây cũng là yếu tố khiến giá thành bị đội lên.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị nên bỏ bao cấp lợi nhuận định mức 300 đồng /lít, còn TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần công bố, khống chế giá trần bán lẻ xăng dầu.
“Điều này vừa loại bỏ cơ chế xin cho, vừa buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm lợi nhuận không dựa vào đề nghị tăng giá mà phải dựa vào giảm chi phí sản xuất kinh doanh, dựa vào cơ chế cạnh tranh, dựa vào tăng doanh thu”, theo TS Ánh.
Với một thị trường khổng lồ gồm hàng chục triệu người tiêu dùng, trị giá lên tới cả chục tỷ USD mỗi năm (7 tháng đầu năm 2012, lượng xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam đạt 5,71 triệu tấn, trị giá 5,52 tỷ USD) như xăng dầu, rất cần một cơ chế điều hành, kiểm soát, công khai minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước.
Bằng không, “miếng bánh” béo bở cả chục tỷ USD này sẽ rất dễ bị các nhóm lợi ích chi phối.
Còn nhớ cách đây ngót một năm, ngày 20-9-2011, vào thời điểm mới nhậm chức, tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã từng có phát biểu thẳng thắn hiếm thấy, làm nức lòng hàng chục triệu người dân cả nước : “Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”.
Nhắc lại điều này một lần nữa để có cơ sở hy vọng rằng, Bộ Tài chính vẫn luôn giám sát và điều hành giá xăng dầu một cách đúng đắn, vì quyền lợi chính đáng của hơn 80 triệu người dân.
Việt Hùng
Nguồn:Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét