SGTT.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh vừa tuyên bố
“không muốn thấy ASEAN chia rẽ”, nhưng lại vòng vo: “Nam Hải (cách Bắc Kinh
gọi Biển Đông) không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc, mà là
giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN có liên quan”. Dĩ nhiên là bà thứ
trưởng muốn bóp nát từng cây lúa của “bó lúa” ASEAN để gặm nhấm dần và cưỡng
chiếm hơn 80% Biển Đông.
Trò xảo thuật ngôn từ của thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó
Oánh không ma mị được ai, nhất là đối với chín ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị
Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Phnom Penh (AMM45). Họ là những người đã “vắt óc”
nghĩ ra 20 dự thảo thông cáo chung, thậm chí có ngoại trưởng phải quay xe (khi
đang trên đường ra phi trường về nước), để nói với Campuchia rằng, các ngoại
trưởng ASEAN đồng ý ghi quan điểm của hội nghị lần này về Biển Đông giống như
các hội nghị ngoại trưởng trước đây. Tất cả đều hiểu được hệ luỵ của việc không
ra được thông cáo chung, chỉ trừ một ngoại trưởng không muốn hiểu…
Ngoại giao thêm “ngữ mới”
Ngày 7.8, khi đề cập tới việc các bên tham gia AMM45 không ra
được thông cáo chung, bà Phó Oánh giải thích: “Lý do mà hội nghị ngoại
trưởng ASEAN lần thứ 45 không ra được thông cáo chung bởi vì một số
quốc gia ASEAN cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông tìm cách áp đặt
lập trường của họ lên ASEAN”. Tuy không nêu đích danh, nhưng các nước bị
cáo buộc “áp đặt” trong trường hợp này là Việt Nam và Philippines.
Khi bà thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sử dụng thành ngữ “áp đặt
lập trường”, hay ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong trước đó, tuy buộc phải
đồng ý với sáng kiến của Indonesia về “Nguyên tắc sáu điểm” của ASEAN, vẫn “đổ
vấy cho Việt Nam và Philippines về thất bại của hội nghị”, thì dư luận càng nhận
diện đầy đủ hơn về bản chất vụ việc. Vấn đề ở đây là: một thành viên duy nhất
trong mười nước ASEAN “nhẫm lẫn” về vai trò giữa một nước thành viên hiệp hội
với một nước làm chủ tịch luân phiên.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc những ngày qua tiếp tục bày tỏ
sự phẫn nộ trước tuyên bố của Chính phủ Mỹ trực tiếp phê phán Trung Quốc trong
vấn đề Biển Đông. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản
Trung Quốc, trong một bài xã luận mới đây, đã yêu cầu Washington phải “ngậm
miệng”, đồng thời cáo buộc Mỹ “đổ thêm dầu” vào lửa (?!) “Ngậm miệng” là cách mà
dịch giả đã phải dùng đến uyển ngữ, chứ nếu cứ chuyển nguyên văn câu chữ ở bản
gốc thì đã xảy ra điều xưa nay chưa từng có trong ngôn ngữ ngoại giao.
Từ nay, “áp đặt lập trường” hay “ngậm miệng” trong từ điển ngoại
giao sẽ có nghĩa là khi một nước nào không chấp nhận lập trường của Trung Quốc
trong xử lý vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Nói cách
khác, dù đã ký DOC, rồi ký tiếp Bản hướng dẫn thực hiện DOC và còn cam kết trước
bàn dân thiên hạ, Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm đàm phán để ký kết COC, nhưng bà
Phó Oánh vẫn khẳng định, Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và
ASEAN. Từ nay, nước nào còn nhắc đến giải pháp đa phương cho Biển Đông, thì dễ
bị Bắc Kinh nhắc nhở: “Hãy ngậm miệng!”
Vì sao buộc Mỹ “ngậm miệng”?
Trung Quốc, vốn là xứ sở của văn hoá, vì sao phải đưa “ngôn ngữ
chợ búa” vào các quan hệ giao tiếp quốc tế, vốn là lĩnh vực đòi hỏi sự lịch lãm
và chuẩn mực về câu chữ? Ngoài kiến giải thông thường khi luận về một quốc gia
(cũng có thể do “giận quá mất khôn”), nguyên nhân “cốt lõi” còn nằm ở tầng nấc
sâu. Kịch bản Trung Quốc ở Campuchia vừa qua đã để lại một số di hoạ ngoài dự
kiến của Bắc Kinh: các lá bài tẩy đối với ASEAN bị lật ngửa, các dân tộc trong
khu vực thức tỉnh và cộng đồng quốc tế ngày càng nâng cao cảnh giác! Bà Phó nổi
giận cũng dễ hiểu!
Nhưng vì sao Trung Quốc buộc Mỹ phải “ngậm miệng” trong vấn đề
tranh chấp Biển Đông, trong khi chính bản thân Trung Quốc luôn cổ suý cho cấu
trúc an ninh Đông Á của ASEAN thông qua cơ chế “10+3”. Mà an ninh Đông Á là gì
nếu như không phải là tổng hoà của an ninh Đông Bắc Á và an ninh Đông Nam Á.
Những viên đá lát đầu tiên dẫn đến con đường hoà bình và phồn vinh khu vực,
trước hết là lòng tin của mọi quốc gia lớn và nhỏ, trong và ngoài khu vực vào
thành ý, sức mạnh tổng hợp và vai trò của các cường quốc liên quan. Chỉ bằng
cách ấy, Trung Quốc mới có thể chiếm được một vị thế chủ đạo thực sự trong quá
trình định hình cấu trúc an ninh khu vực.
Nếu giận quá để mất khôn, Trung Quốc dễ rơi vào tình cảnh “kiếm
củi ba năm, thiêu một giờ”. Cái lá đa “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc có nguy
cơ bị rụng nếu Trung Quốc tiếp tục vào các thềm lục địa của các nước để kêu gọi
quốc tế vào đấu thầu, hay tiếp tục đưa hàng vạn tàu cá trá hình vào vùng biển
các nước có chủ quyền. Trung Quốc không thể “múa gậy vườn hoang” khi Biển Đông
giờ đây chính là cánh cửa để mở ra triển vọng “hợp tác văn minh”, “cùng thắng”
thay cho tư duy “đại quốc tiểu nhân”, “gắp lửa bỏ tay người” như truyền thông
Trung Quốc đang làm ầm ĩ mấy tuần nay.
Trần Hiếu Chân
Nguồn: SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét