TT - Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) đang ngày càng thể hiện rõ âm mưu độc chiếm nguồn dầu mỏ trên biển Đông với tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2020, bất chấp việc xâm phạm lãnh hải của các nước khác trong khu vực.
Giàn khoan dầu khí 981 được đưa đến mỏ Lệ Loan hồi tháng 5-2012 - Ảnh: Xinhua
|
Một bước đệm
Ngày 28-8, trang web CNOOC (www.cnooc.com.cn) công bố mời thầu khai thác 26 lô dầu khí, trong đó có 22 lô ở phía bắc biển Đông và nằm gần duyên hải tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.
Báo Tài Chính Quốc Tế Trung Quốc ngày 29-8 đưa tin vào tháng 4-2012, CNOOC đã ký hợp đồng với Tập đoàn dầu khí ENI của Ý khai thác khu vực nước sâu 30/27 ở phía bắc biển Đông, cách Hong Kong 400km. Khu khai thác này có diện tích 5.130km2. Chưa đầy một tháng sau, ngày 9-5-2012, CNOOC đã đưa giàn khoan hải dương 981 đến khu vực này.
Giàn khoan hải dương 981 từng được chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm hùng hồn mô tả là “biên giới di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí”. Hộ tống giàn khoan này đến khai thác ở mỏ dầu Lệ Loan 6-1-1 nằm cách Hong Kong 320km về phía đông nam là một đội tàu “dầu khí hải dương” tối tân. Theo đánh giá của Bắc Kinh, mỏ dầu Lệ Loan là một trong rất nhiều phiên bản của “Đại Khánh nước sâu” ở biển Đông.
Giới chuyên gia chính trị cũng cho rằng bằng cách này CNOOC đang tiếp tục thực hiện mô hình “Đại Khánh ngoài khơi”. Đại Khánh là tên mỏ dầu lớn nhất của Trung Quốc từng được khai thác ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc vào năm 1964 với công suất 1 triệu thùng dầu/ngày suốt 40 năm qua và hiện nay còn 800.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng đây chỉ là bước đệm cho chiến lược bành trướng khai thác dầu khí ở biển Đông, trong đó giàn khoan hải dương 981 được sử dụng là con át chủ bài. Thời gian tới, CNOOC tiếp tục tiến sâu và mở rộng việc tìm kiếm ở các khu vực nước sâu trên biển Đông nhằm vừa đáp ứng cơn khát dầu của Bắc Kinh vừa thực hiện âm mưu độc chiếm vùng biển rộng lớn này.
Các bước đi
Phó tổng giám đốc hạng mục “tàu khoan giếng dầu nước sâu” của CNOOC, ông Túc Kinh, ngày 28-8 cho biết sau “giàn khoan hải dương 981” và đội tàu liên hợp khai thác dầu ở độ sâu 3.000m đã được đưa vào hoạt động hồi tháng 5 vừa qua, CNOOC đang tiếp tục chế tạo những “trang thiết bị khai thác dầu khí cực lớn” khác, không loại trừ những giàn khoan “khủng” như giàn khoan 981, và sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2015.
Theo ông Túc, sở dĩ CNOOC đưa giàn khoan 981 thử nghiệm ở khu vực bắc biển Đông gần Hong Kong là để thử sức chịu đựng của nó trước điều kiện khắc nghiệt đầy bão tố ở biển Đông, bởi “biển Đông mới thật sự là chiến trường của chúng ta”. “Sau ba tháng chính thức hoạt động, giàn khoan hải dương 981 đã có thể xếp vào những giàn khoan hiện đại bậc nhất thế giới và có thể chống được cuồng phong lớn nhất trong 200 năm” - ông Túc khẳng định và cho biết giàn khoan 981 hiện nay đã khoan được ba giếng dầu ở Lệ Loan 6-1-1 và đang khoan giếng thứ tư.
“Với trình độ khai thác dầu hiện nay của Trung Quốc, nếu cần khai thác toàn bộ tài nguyên dầu khí ở biển Đông thì Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng lực bất tòng tâm. Có giàn khoan hải dương 981, chúng ta đã rút ngắn được 45 năm” - báo Đông Phương Buổi Sáng dẫn lời ông Túc nhấn mạnh. Song, ông cũng tiết lộ giàn khoan 981 sẽ không thể đến một trong số chín lô dầu khí mà CNOOC đã mời thầu ngày 23-6 trên thềm lục địa Việt Nam, nguyên do là những vùng nước này không phù hợp, không đủ độ sâu cho “con khủng long trên biển” này trú ngụ an toàn.
Trước đó vào ngày 17-7, ông Vương Nghi Lâm tuyên bố việc gọi thầu chín lô dầu khí nằm trong thềm lục địa Việt Nam với diện tích khai thác lên đến 160.124 km2 đang được tiến hành thuận lợi. Ngay sau đó, chính báo chí Trung Quốc cũng đã đính chính khi đưa tin do Việt Nam phản đối nên các công ty nước ngoài vẫn chưa dám tham gia gói thầu nào.
Wall Street Journal dẫn nguồn tin nội bộ giấu tên cho biết trong CNOOC cũng có những ý kiến quan ngại cho rằng việc mời thầu ở biển Đông lúc đó chỉ là động thái chính trị quá hung hăng nhằm “tiếp lửa” cho tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông mà thôi. Thật ra đây là động thái đánh tiếng, xí phần, giữ chỗ trước để tạo nên “chuyện đã rồi”, chứ Trung Quốc chưa đủ lực và điều kiện an ninh để khai thác.
Vẫn báo này cho biết CNOOC đã chi 15,1 tỉ USD để mua Công ty Nexen của Canada, và việc làm này cũng nằm trong kế hoạch là làm sao tiếp cận được công nghệ thăm dò nước sâu ở vịnh Mexico để sau đó ứng dụng những kỹ thuật này vào việc thăm dò dầu khí ở biển Đông.
MỸ LOAN - VIỆT PHƯƠNG
Nguồn:TT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét