theo dõi

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Hoàn Cầu báo nói gì về chuyến thăm của Bộ trưởng QP Mỹ đến Việt Nam?

THỜI BÁO HOÀN CẦU, TRUNG QUỐC:

Hoàn Cầu báo nói gì về chuyến thăm của Bộ trưởng QP Mỹ đến Việt Nam?

Thứ tư 06/06/2012 07:19
(GDVN) - Truyền thông Trung Quốc đặc biệt "nhạy" với chuyến thăm “lịch sử” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tới Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Chỉ một số ít các tờ báo phản ánh lại các thông tin thông tấn, còn lại các tờ báo mạng đua nhau giật tít "nóng", suy diễn chủ quan, trong đó nổi bật là các tờ Thời báo Hoàn Cầu, Nhân Dân nhật báo, mạng Sina... Để hiểu rõ hơn về hoạt động tuyên truyền của truyền thông TQ, GDVN xin trích dẫn các bài viết này.



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Việt Nam.
Chinanews.com: Hợp tác quân sự Việt-Mỹ ấm lên
Mạng chinanews.com có bài viết cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, được cho là khúc dạo đầu cho việc nâng cấp toàn diện hợp tác quân sự Mỹ-Việt.
Bài báo nói rằng, Panetta đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Mỹ-Việt tiếp tục xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từng tác động tới quan hệ hai nước do Chiến tranh Việt Nam trước đây để lại. Hai bên đã trao đổi nhật ký của binh sĩ Việt Nam và thư nhà của binh sĩ Mỹ. Quan chức Mỹ cho rằng, đây là đồ vật cá nhân của binh sĩ hai nước được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước công khai trao gửi.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói với Bộ trưởng Panetta rằng, chính phủ Việt Nam sẽ mở 3 địa điểm mới cho phía Mỹ tìm kiếm di hài binh sĩ Mỹ đã tử trận trong Chiến tranh Việt Nam. Panetta đã bày tỏ cảm ơn và cho rằng việc làm này của Việt Nam sẽ giúp Mỹ tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo bài báo, Mỹ muốn gấp rút phát triển quan hệ hợp tác mới với Việt Nam, còn Việt Nam cũng muốn giảm bất đồng với Mỹ, phát triển quan hệ cụ thể, thiết thực. Trong thời điểm tình hình khu vực tinh tế, phức tạp, hợp tác quân sự Mỹ-Việt đặc biệt gây chú ý.
Ngày 3/6, Bộ trưởng Mỹ Panetta đã thị sát vịnh Cam Ranh và tuần tra tàu tiếp tế thuộc Hạm đội 7 của Mỹ (tàu USNS Richard E. Byrd, T-AKE-4, đang sửa chữa tại Cam Ranh). Trên con tàu này, Panetta nói bóng gió rằng Mỹ thực sự quan tâm đến vịnh Cam Ranh. Ông cho rằng, “tàu chiến Mỹ neo đậu tại vịnh Cam Ranh” sẽ là một trong những “tiềm năng” hợp tác quân sự của hai nước.

Tàu tiếp tế USNS Richard E. Byrd - Hạm đội 7 Mỹ trên vịnh Cam Ranh, Việt Nam.
Theo bài viết, trong Chiến tranh Việt Nam, vịnh Cam Ranh là căn cứ hải quân của Mỹ. Khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân Mỹ rút, Liên Xô đến. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga khó có thể tiếp tục đồn trú ở vịnh Cam Ranh, cuối cùng rút vào năm 2002.
Panetta hình dung vịnh Cam Ranh là cảng nước sâu tốt có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong Đối thoại Shangri-La, Panetta đã nhấn mạnh, quân Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ triển khai 60% tàu chiến ở Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ngày 4/6, Panetta cho biết, Mỹ-Việt sẽ đẩy nhanh thực hiện biên bản ghi nhớ song phương đạt được cuối năm 2011, tăng cường hợp tác trên biển với Việt Nam và “thực hiện cam kết bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ông còn nói, Mỹ muốn nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao mới.
Còn Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, Mỹ-Việt đã nhất trí về một số “vấn đề cốt lõi”, như thúc đẩy triển khai các biện pháp hợp tác bản ghi nhớ, cứu trợ nhân đạo và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, triển vọng hợp tác hai nước rộng lớn - Mạng chinanews.com loan tin.
Theo bài viết, Panetta thực sự nhiệt tình đối với hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Khi hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ông cũng nhấn mạnh triển vọng hợp tác quốc phòng và an ninh song phương. Các nhà phân tích phổ biến cho rằng, trong tương lai, Mỹ sẽ ngày càng coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Từ năm 2003 đến nay, đã có hàng chục tàu chiến Mỹ đến thăm Việt Nam, trong đó có cả tàu sân bay.
Hai năm gần đây, hợp tác quân sự Việt-Mỹ được thúc đẩy ổn định, quân đội hai nước, đặc biệt là hải quân đã tiến hành nhiều cuộc giao lưu quân sự và diễn tập. Mặc dù Việt Nam vẫn có thái độ thận trọng, nhưng chiến tranh giữa hai nước đã qua từ lâu, quan hệ quân sự Việt-Mỹ có bước phát triển nhảy vọt rất đáng chú ý.
Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông: Cho phép tàu Mỹ neo đậu ở cảng Cam Ranh, kêu gọi bỏ cấm vận vũ khí

Ngày 5/6, tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông có bài viết dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, đưa hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ đi vào chiều sâu có lợi cho tăng cường quan hệ song phương, có lợi cho thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực, cũng có lợi cho cải thiện quan hệ quốc tế; hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ sẽ không đe dọa an ninh của các nước láng giềng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cho đây là một hành động “cùng có lợi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm lịch sử tới vịnh Cam Ranh, Việt Nam.
Sau khi chụp ảnh chung với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta cho đây là “thời khắc lịch sử”. Hai Bộ trưởng đã tiến hành cuộc hội đàm 1 giờ. Hai bên đã thảo luận về các vấn đề như xây dựng cơ chế đối thoại cấp cao thường xuyên, hợp tác quân y, an ninh biển và cứu hộ cứu nạn, rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, tẩy trừ chất độc da cam…
Hai bên đã tổng kết tình hình thực hiện bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, nhấn mạnh tôn trọng đầy đủ chủ quyền và độc lập tự chủ của nhau, trên tinh thần hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, phát triển quan hệ đối tác hợp tác lâu dài Việt-Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, coi đó là hành động “cùng có lợi” của hai nước, sẽ thúc đẩy bình thường hóa toàn diện quan hệ hai nước, có lợi cho nhiều tàu thuyền Mỹ hơn cập cảng Cam Ranh.
Những năm gần đây, hàng năm Mỹ cung cấp viện trợ phi quân sự không nhiều cho Việt Nam, nhưng vẫn cấm bán vũ khí. Đối với vấn đề này, Panetta cho biết, đối với Washington, đặc biệt là đối với Quốc hội Mỹ, mở rộng viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt là viện trợ quân sự vẫn là một vấn đề nhạy cảm. “Rõ ràng, viện trợ quá mức phần lớn phụ thuộc vào Quốc hội (Mỹ), trong khi Quốc hội sẽ quyết định dựa vào việc cải thiện một số tình hình ở Việt Nam” – Panetta nói.
Ông Panetta cũng nói là Mỹ muốn các nước trong khu vực (như Việt Nam, Philippines, Singapore…) mạnh lên sẽ có lợi cho ổn định khu vực.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” có bài viết giật tít “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta có chuyến thăm lịch sử tới vịnh Cam Ranh gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc”
Tờ “Phương Đông” Trung Quốc dẫn lời quan chức Mỹ nhấn mạnh đến quan hệ tốt đẹp những năm gần đây của quân đội hai nước Việt-Mỹ: “Nhiều năm qua, quan hệ giữa chúng tôi và Việt Nam đã có xu thế phát triển tốt đẹp. Cơ hội rất tốt này được đánh dấu bởi hợp tác quốc phòng (thỏa thuận ghi nhớ) được ký với Việt Nam năm 2011”.
Trong khi đó ngày 5/6, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” có bài viết giật tít “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta có chuyến thăm lịch sử tới vịnh Cam Ranh gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc”.
Bài báo dẫn nguồn tin từ hãng AFP cho rằng: đây là “tín hiệu mới nhất về quan hệ song phương chặt chẽ hơn (giữa Việt-Mỹ) trong khi đầy cảnh giác trước sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng”.
Sau khi gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta cho biết: “Trong hội đàm, chúng tôi đã lựa chọn áp dụng một số bước đi rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ của chúng tôi”.

Bài báo cho rằng, so với cuộc hội đàm ở Hà Nội, chuyến “tuần tra” vịnh Cam Ranh trước đó 1 ngày của Panetta được cho là có ý nghĩa tượng trưng lớn hơn. Hãng AP giật tít “Panetta thăm Việt Nam phát đi tín hiệu với Trung Quốc”.
Tại vịnh Cam Ranh, Panetta không nói về Trung Quốc, nhưng lấy biển Đông làm bối cảnh, chắc chắn Panetta cho biết Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực này, giúp đỡ bảo vệ đồng minh và quyền lợi của họ. Chuyến thăm của Panetta có thể kích động các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người không hài lòng với việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương và coi đó là một mối đe dọa - Thời báo Hoàn Cầu viết.
Bài báo cho rằng, không muốn chọc giận đến cùng Trung Quốc được truyền thông phương Tây gọi là một trở ngại cho quân Mỹ quay trở lại Việt Nam. Ngày 4/6, tờ “Thời báo New York” cho biết, một bản báo cáo của Manel, Phòng nghiên cứu – Quốc hội Mỹ gần đây cho biết, các nhà lãnh đạo Việt Nam tìm kiếm nâng cấp quan hệ với Mỹ, một phần nguyên nhân là để tiếp tục xâm nhập thị trường Mỹ và lo ngại Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. - Thời báo Hoàn Cầu tuyên truyền.
Tờ “Hoàn Cầu” tự đưa ra suy đoán và "xuất khẩu" bình luận cho rằng, hiện nay đang có một đợt sóng ngầm mới trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ. Tất cả các dấu hiệu cho thấy, đằng sau việc thành công làm phức tạp hóa vấn đề biển Đông, “Mỹ đang biến Việt Nam thành một quân cờ quan trọng trong chiến lược biển Đông của họ”.
Việc duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở biển Đông đã trở thành một xu hướng mới của Mỹ trên biển Đông. Mỹ tăng cường tàu chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang tích cực tìm kiếm cảng biển neo đậu và căn cứ quân sự ở xung quanh biển Đông.
Tờ “Hoàn Cầu” cho rằng: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm lịch sử tới vịnh Cam Ranh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc”. Điều này phản ánh một số nước trong khu vực này đang tiếp tục tìm kiếm khâu đột phá mới và thời cơ thích hợp để chiếm ưu thế trước Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của họ (báo Trung Quốc  thường xuyên sử dụng cụm từ “mấy miếng thịt nát”!???) trên cơ sở không chọc giận Trung Quốc. Điều này đã trở thành đồng thuận của một số nước.
Theo bài báo, để ứng phó với những thay đổi sâu sắc, phức tạp của tình hình địa-chính trị sau khi cục diện hai cực trên thế giới tan rã, từ khi lên nắm quyền đến nay, chính quyền Obama coi trọng hơn châu Á, đã thực hiện chiến lược địa duyên châu Á mới.
Ý đồ trong chiến lược mới của Mỹ ở chỗ, chuyển trọng tâm chiến lược địa duyên của châu Á từ Trung Đông và Trung Á nghiêng về Đông Á, không ngừng gia tăng sự can dự và đầu tư của Mỹ đối với Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á.
Điều này làm cho nó trở thành một mắt xích quan trọng của Mỹ trong chiến lược địa duyên châu Á mới, kéo dài ba chuỗi đảo (được Mỹ xây dựng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á thời kỳ Chiến tranh Lạnh) xuống tới Nam Á và Australia, từ đó tăng cường và mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, giúp Mỹ chiếm vị thế chủ đạo trong địa-chính trị châu Á, đồng thời đề phòng và ngăn chặn bất cứ thách thức nào đối với vị thế có lợi của Mỹ, mà quan trọng hàng đầu là thách thức từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh “chiến lược lớn” trên, Mỹ đã từng bước rút khỏi 2 cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan và đem toàn bộ sự chú ý của mình chuyển tới Trung Quốc, lực lượng quân sự và việc triển khai quân sự chính của họ đã chuyển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương,
đặc biệt là tăng cường rất lớn khả năng quân sự trên chuỗi đảo thứ hai và chuỗi thứ ba ở Tây Thái Bình Dương, đã đưa ra chiến lược “tác chiến hợp nhất trên biển-trên không” nhằm vào tiến trình hiện đại hóa quân sự những năm gần đây của Trung Quốc, cố gắng xóa bỏ vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và áp chế khả năng đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
“Báo cáo Đánh giá Quốc phòng 4 năm” và một loạt văn kiện chính sách quốc phòng do Mỹ công bố những năm gần đây cho thấy, chiến lược “tác chiến hợp nhất trên biển-trên không” đã từ ý tưởng chiến lược dần dần chuyển thành tư tưởng cốt lõi chỉ đạo chuyển đổi quân sự và chuẩn bị đấu tranh quân sự của quân Mỹ. Việc phát triển trang bị và triển khai quân sự của quân Mỹ đã từng bước thực hiện theo chiến lược này.
Mặc dù trên phương diện vốn và việc điều chỉnh chi tiết, quân Mỹ gặp phải một số vấn đề trong tiến trình thực hiện chiến lược mới, nhưng chiến lược “tác chiến hợp nhất trên biển-trên không” của quân Mỹ đang phát triển theo hướng từ mơ hồ trừu tượng sang cụ thể rõ ràng.
Bài báo suy diễn rằng “Chính trên cơ sở xúi giục và giật dây của Mỹ, những năm gần đây, tranh chấp quyền lợi biển giữa Trung Quốc và các nước xung quanh ngày càng nổi cộm, vấn đề ngày càng gai góc, ở biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông, Trung Quốc đều đang đối mặt với rất nhiều tranh chấp phân chia quyền lợi biển với các nước láng giềng”.
Theo bài báo thì “tình hình bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc đã rất nghiêm trọng, trong đó vấn đề biển Đông đặc biệt nổi cộm, trở thành một tiêu điểm và điểm nóng trong quan hệ quốc tế”.
Bài báo viết: “Việc Mỹ điều chỉnh sách lược ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã tăng cường trạng thái tấn công bảo vệ chiến lược Trung Quốc, toàn lực thu hẹp không gian quyền lợi biển của Trung Quốc”.
Bài báo suy diễn rằng: “Với sự ầm ĩ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, các nước xung quanh đã khơi dậy một đợt mới về tranh chấp chủ quyền các hòn đảo trên biển Đông (điều Trung Quốc đang tiến hành nay lại đổ lỗi cho các nước khác -PV), mưu toan đưa tranh chấp song phương lên nhiều diễn đàn ngoại giao để giải quyết, làm cho tình hình biển Đông trở nên ngày càng căng thẳng và phức tạp".
“Đối với một số thế lực ở bên ngoài, biển Đông rất có khả năng trở thành “Balkan châu Á”. Trong đó, Mỹ điều chỉnh chiến lược xưng bá toàn cầu là nguyên nhân căn bản gây quốc tế hóa và phức tạp hóa vấn đề biển Đông. Vài tháng gần đây, Philippines cả gan tùy tiện thách thức Trung Quốc (?-PV) ở bãi cạn Scarborough, người xúi giục đằng sau họ là ai chỉ cần nghĩ là biết”.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta duyệt đội danh dự.
Bài báo cho rằng, sau khi Chính phủ Obama lên cầm quyền, để kiểm soát lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, Mỹ từng bước đưa biển Đông vào tầm ngắm, có ý đồ lấy lý do bảo đảm “an toàn hàng hải”, mượn vấn đề biển Đông làm thẻ bài chính trị, tìm kiếm lợi ích trong các vấn đề chiến lược, đồng thời gây ảnh hưởng về địa-chính trị ở khu vực biển Đông, hình thành thế vây kín đối với Trung Quốc về quân s - Thời báo Hoàn Cầu suy diễn.
Thời báo Hoàn Cầu nói: "áp dụng chính sách nào để Trung Quốc không phát triển thành mối đe dọa đến bá quyền của Mỹ là một vấn đề chiến lược cốt lõi mà các chính khách Mỹ luôn tính toán. Trong bối cảnh vấn đề Đài Loan đang phát triển theo hướng hợp tác tích cực (có thực sự như vậy không sẽ được làm rõ - PV), việc quốc tế hóa và phức tạp hóa (lưỡng hóa) vấn đề biển Đông trở thành một thủ đoạn chiến lược mới để Mỹ kiểm soát sự phát triển của Trung Quốc".
Mỹ muốn thông qua “lưỡng hóa” này để buộc Trung Quốc phải dành nhiều nguồn lực chiến lược hơn cho giải quyết vấn đề biển Đông. Đây là một nước cờ của Mỹ “dẫn dắt” phân tán nguồn lực chiến lược của Trung Quốc. Sự xung đột và “đánh cờ” giữa Trung-Mỹ trong vấn đề biển Đông trên thực tế là một “chiến trường mới” tiến hành tái điều chỉnh cục diện lớn địa-chính trị quốc tế.
Bài báo viết, trong những năm gần đây, Mỹ có thái độ ngày càng tích cực trong tranh chấp quần đảo Trường Sa và vấn đề tài nguyên dầu khí. Mỹ từng bước điều chỉnh chính sách “không can thiệp” biển Đông, đã gia tăng mức độ thâm nhập quân sự khu vực biển Đông.
Trong đó, một chiêu trắng trợn nhất chính là tích cực thúc đẩy tổ chức diễn tập quân sự đa phương và song phương với các nước Đông Nam Á, lấy biển Đông làm bối cảnh - Thời báo Hoàn Cầu loan tải.
Bài báo cho rằng, năm 2010, với khẩu hiệu “quay trở lại Đông Á”, Mỹ đã tiếp tục đẩy nhanh các bước xâm nhập biển Đông. Trong khi đó, có nước ở biển Đông thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông, muốn ra sức thúc đẩy nâng cấp vấn đề biển Đông thành vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc để giải quyết.
Thời báo Hoàn Cầu viết: "Một số nước thậm chí lấy cớ tăng cường hợp tác khu vực, mưu toan thông qua các thế lực bên ngoài đứng đầu là Mỹ để hình thành cục diện “nhiều chọi một” nhằm vào Trung Quốc, tạo hợp lực trong vấn đề biển Đông, cùng đối phó với Trung Quốc. Trên thực tế, ở biển Đông, Trung Quốc đã bị “đánh hội đồng” chưa từng có, sự mềm mỏng về lời nói hoàn toàn không thể chấm dứt sự gia tăng liên tục các áp lực đối với Trung Quốc".

Theo bài báo, dưới tiền đề lớn là tiến hành triển khai quân sự và chiến lược bao vây Trung Quốc, lần này, Mỹ đã dùng nhiều lời nói mang tính “lừa gạt, mê hoặc” nhằm khiến cho Trung Quốc không nắm được “chuôi” trong tranh chấp biển Đông (mà Mỹ nắm), tránh xảy ra cục diện bị động trong ngoại giao quan trọng hơn đối với Trung Quốc, để Trung Quốc được “cộng điểm”, đồng thời có thể tăng uy tín ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, truyền đi “thông điệp Mỹ quyết tâm mạnh mẽ bảo vệ lợi ích ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Theo luận điệu của tờ báo Trung Quốc này thì Mỹ là nước có kinh nghiệm ngoại giao phong phú và khả năng chiến lược mạnh, có một loạt chính sách và biện pháp ứng phó cao siêu trong đấu tranh bảo vệ bá quyền, chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt” được Mỹ quen dùng, “nói một đằng, làm một nẻo” là điều thường thấy, “trả giá thấp nhất để giành lấy lợi ích lớn nhất” là tư tưởng chỉ đạo của Mỹ. Vì vậy, đây là lý do căn bản cho thấy Mỹ hiểu nước khác trên lĩnh vực ngoại giao, nhưng trên lĩnh vực quân sự lại luôn “hăm dọa”.
Báo Trung Quốc kêu gọi, hãy nhìn vào việc làm của Mỹ chứ không phải lời nói, “thái độ hòa bình của Mỹ không đáng tin”, Mỹ luôn thực hiện chính sách “miệng nam mô một bồ dao găm”. Nhiều chương trình và triển khai quân sự của Mỹ hiện nay hoàn toàn là sản phẩm của chiến lược “tác chiến hợp nhất trên biển-trên không” nhằm vào Trung Quốc. Chẳng hạn, chương trình tên lửa thế hệ mới của quân Mỹ, đã tiêu biểu cho việc lấy Trung Quốc làm kẻ thù giả định, mục đích là làm suy yếu khả năng quân sự trong “chiến lược ngăn chặn” của Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, các động thái của Mỹ cho thấy, chiến lược “ngăn chặn, bao vây Trung Quốc” của Mỹ đã từng bước được thực hiện, sau khi cuộc chiến chống khủng bố “tạm hoãn”, sức ép địa duyên của Trung Quốc rất có thể không kém gì Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thậm chí còn lớn hơn. Đây là sự thật. Theo đó, không thể cứ tự an ủi và lơ là mất cảnh giác, mà phải tập trung sức mạnh tăng cường chuẩn bị đấu tranh quân sự để giành lấy lãnh thổ và các quyền lợi biển (!!!???).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét