theo dõi

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Ba mẹ con sống như thời nguyên thủy


Ngót nghét 10 năm người đàn bà đó sống hoang dại. Bốn đứa con sinh ra không biết mặt cha. Cũng là bốn lần một mình vượt cạn nơi “rừng thiêng nước độc”. Chỉ khi nào người ta thấy tiếng trẻ con khóc chào đời thì mới biết chị đã sinh con.
Cứ như vậy mẹ con chị dựa vào nhau để sống. Không gì hết ngoài tình mẫu tử và bản năng sinh tồn. Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong thời nguyên thủy nhưng lại đang hiện hữu đớn đau giữa cuộc sống hiện đại.
Tâm thần sau khi sinh con
Về đến chợ Đồng (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) hỏi thăm về người đàn bà đào hang ở trên núi cùng hai đứa con hoang người nào cũng biết. Ai nấy đều tỏ ra thương cảm cho số phận quá trớ trêu của người đàn bà điên ấy. Một người bán hàng tạp hóa ở chợ đã mau mắn nói với chúng tôi rằng: “Cô chú mà định tìm mẹ con nhà nó thì mất công lắm mà chưa chắc đã tìm nổi đâu. Vì ban ngày nó thường dẫn con đi lang thang khắp nơi rồi tối mới về hang để ngủ. Vừa hôm qua thôi ba mẹ con nó còn lếch thếch ở chợ này. Có người thương cho nó miếng thịt bảo mang về nấu cho con ăn nhưng không ngờ nó xé ra đưa cho con nó ăn luôn”.
 - 1
Hai đứa nhỏ hoảng sợ khi thấy người lạ
Từ chợ Đồng, đi khoảng ba cây số nữa, vòng lên rồi lại vòng xuống nhiều lần chúng tôi mới tìm được nhà của anh trai của người đàn bà điên. Ngôi nhà cấp bốn không quá khang trang nhưng cũng không đến nỗi nào. Anh Lê Hoàng Năm, anh trai chị Lê Thị Tâm (người đàn bà điên) tiếp chúng tôi với khuôn mặt thiểu não. Điều đó dễ hiểu bởi anh và vợ con cùng mẹ già thì được sống ở trong nhà, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu. Nhưng còn đứa em gái cùng hai đứa cháu cứ lang thang nay đây mai đó đã gần chục năm nay rồi. Mùa hè còn đỡ, những đêm mùa đông rét buốt anh Năm hầu như không ngủ được vì nghĩ đến em. “Mình chăn ấm đệm êm, ba mẹ con của em thì màn trời chiếu đất, trời lạnh căm căm như thế không biết nó chống chọi kiểu gì”. Vừa nói anh Năm vừa như muốn khóc.
Hỏi vì sao gia đình không đón ba mẹ con chị Tâm về cho chị và hai đứa con của chị khỏi cầu bất cầu bơ thì anh Năm lắc đầu mà rằng: “Bao nhiêu lần gia đình tôi tìm lên đồi để đón mẹ con nó về nhưng cứ đến nơi là nó chạy. Nó sợ mọi người bắt mất con nó nên nhìn thấy người nhà là nó trốn biệt”. Thấy lạ, chúng tôi hỏi anh Năm chắc phải có uẩn khúc gì thì chị Tâm mới sợ bị mất con như thế. Ngồi cạnh con trai, bà Nguyễn Thị Ngắm (mẹ chị Tâm) buồn rầu kể lại: “Hồi xưa khi còn là con gái, con Tâm đẹp lắm lại chăm chỉ làm ăn nên cũng có nhiều người muốn lấy về làm vợ. Nhưng mà sau rồi nó ưng cái người ở Cao Nam (là chồng nó sau này) vì thằng đó hiền lắm. Lấy nhau rồi nó sinh được mụn gái đầu lòng. Thế mà không hiểu sao đẻ xong một thời gian nó cứ cười. Bệnh cười của nó ngày càng trầm trọng hơn. Nhà chồng nó đã từng đưa nó xuống cây số 4 (bệnh viện tâm thần) để khám và chưa trị. Nhưng nó cũng chỉ đỡ được một thời gian rồi lại đâu vào đấy. Rồi nó bỏ đi. Một thời gian sau nó lang thang ở khu vực gần nhà, người ta thấy bụng nó lùm lùm. Lùm lùm đứa thứ nhất, chẳng bao lâu lại lùm lùm đứa thứ hai. Gia đình tôi mới lừa nó để đem con nó cho người khác vì nghĩ nó điên thì nuôi sao nổi con. Thế là từ đấy nó ghét gia đình tôi lắm. Cứ hễ đến gần là nó chửi hoặc bỏ trốn”.
 - 2
Cửa hang nơi ba mẹ con chị Tâm ở
Sau khi hai đứa con bị cho đi, bệnh tình của chị Tâm càng trở nên trầm trọng hơn. Cơ hội để mọi người nhìn thấy chị cũng ít đi. Thế rồi trong một buổi chiều giông bão, những người ở quanh quả đồi nơi chị Tâm từng sống bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc oe oe rất to. Họ chạy ra nơi có tiếng trẻ con khóc thì thấy chị Tâm đang ngâm một đứa bé còn đỏ hỏn xuống dòng suối lạnh. Biết là nếu lại gần, người đàn bà điên đó sẽ lại bỏ chạy nên họ đứng từ trên hỏi vọng xuống: “Làm gì với đứa nhỏ thế?” thì nhận được câu trả lời: “Vừa đẻ nó xong, mang xuống suối tắm cho sạch”. Mọi người nín thở chờ xem số mệnh của đứa trẻ vừa sinh ra, rốn còn dài lòng thòng chưa kịp cắt đã “được” mẹ mang đi tắm nó sẽ ra sao. Vậy mà không ngờ nó vẫn sống lại còn rất mạnh khỏe. Sau này người ta gọi nó là thằng Đồi. Có lẽ vì nó được đẻ ở trên đồi.
Vài năm sau những người sống ở nơi đây lại thấy cái bụng của chị Tâm to một cách bất thường. Rồi cũng đến một ngày chị “khai hoa nở nhụy”. Lần này chị vượt cạn ngay trên một chiếc bàn bán thịt ở ngã tư Đủng Đỉnh. Thế nên sau này người ta lại gọi con gái chị là cái Đỉnh.
Khước từ cuộc sống văn minh để làm người rừng
Khi chúng tôi đến gia đình chị Tâm, hỏi han và có ý muốn đến tận nơi để “mục sở thị” ngôi nhà hoang dại của chị thì gia đình đã có ý can ngăn. Bởi theo người nhà thì “tìm được nó khó lắm. Nay nó ở bãi này, mai lại đi bãi khác. Không biết đâu mà lần”. Tuy vậy, gia đình vẫn cử người đưa chúng tôi đến tận nơi lập lán trại của chị Tâm.
Và thật may mắn, bởi lúc chúng đến cả ba mẹ con chị tâm đang bì bõm tắm suối. Thằng Đồi, cỡ khoảng bảy tuổi đang bơi thiện nghệ như một con dái cá. Chị Tâm dầm mình xuống nước, kỳ cọ cho con trai. Con Đỉnh đầu úp vào lòng mẹ, hai chân buông thõng xuống ngập trong làn nước mát vẫn đang ngủ ngon lành. Vào những ngày oi ả của tiết trời mùa hè, thời gian ba mẹ con chị tắm suối còn nhiều hơn cả thời gian mà họ đi lang thang. Phải thuyết phục rất lâu chị Tâm mới chấp nhận lên bờ mặc quần áo và dẫn chúng tôi lên xem “nhà” của mình. Để tìm được “ngôi nhà” của ba mẹ con chị Tâm, chúng tôi phải đi bộ cả cây số từ đường cái chính. Qua những rặng bạch đàn rậm rạp, phải lội qua hai con suối và leo lên ngọn đồi cheo leo. Đường lên đồi cao chót vót. Một tay xách làn, một tay vác đứa con gái lên vai, đứa con trai lớn cứ thế túm áo mẹ leo lên đồi nhanh thoăn thoắt. Mất chừng một trăm mét để trèo từ con suối lên tới đỉnh đồi nhưng ba mẹ con chị Tâm cứ nhẹ như không. Kỳ lạ thay, đứa bé gái ngất ngưởng chồm qua vai mẹ vẫn ngủ ngon lành dù đường đi gập gềnh, dốc lên có cao vời vợi.
 - 3
Ba mẹ con hồn nhiên dầm mình dưới suối
Quả là, có giỏi tưởng tượng đến mấy chúng tôi cũng không thể nào tin được người đàn bà điên này lại có thể khoét đồi, kê những hòn đã tảng nặng khủng khiếp ở tận nơi nào về để dựng lên thành một cái hang. Ba mẹ con chị ở trong một cái hang áng chừng được hơn một mét vuông. Xung quanh là rác rưởi và lổng chổng những chai lọ nhựa.
Lên đến “nhà” rồi nhưng chị Tâm nhất định không chịu chui vào nhà với lý do ở đó bẩn lắm nên tiếp chúng tôi ở một gốc cây gần đó. Cái làn nhựa treo lủng lẳng trên cây, bên trong có một con dao phay, một cái nồi, vài ba quần áo và một chai nhựa. Đây là hành trang bất ly thân của ba mẹ con chị mỗi khi xuống núi. Khi chúng tôi mang máy ảnh ra để ghi hình ba mẹ con chị, có vẻ như chị cũng không biết là chúng tôi đang làm gì. Chỉ đến khi chúng tôi cho thằng Đồi xem lại những gì chúng tôi vừa chụp thì nó cười sặc sụa như ma làm, miệng ú ớ liên hồi rồi chạy ra khoe mẹ. Thì ra đây là lần đầu tiên nó được nhìn thấy bộ dạng của mình trong ảnh. Nhưng nó không thể diễn tả sự vui sướng đó bằng lời nói vì hình như nó không biết nói. Mẹ nó cả ngày hầu như không nói câu nào, đã thế nhà của nó lại ở trên đồi nên nó chả mấy khi được tiếp xúc với ai. Thế nên dù bảy tuổi rồi nhưng nó vẫn chưa biết nói. Đứa em gái ba tuổi của nó cũng thế. Ba mẹ con nhà nó nếu muốn gửi thông điệp gì đến nhau thì đều dùng hành động. Cuộc sống rừng rú, đồi núi đã khiến hai anh em nó như người vượn. Trèo cây, lội suối nhanh như cắt.
Nhìn “ngôi nhà” hoang sơ, nguyên thủy, chúng tôi không khỏi cám cảnh cho cuộc đời ba mẹ con chị Tâm. Sự điên dại, mơ hồ của người mẹ kia đang vô tình cướp đi cuộc sống thực của hai đứa nhỏ. Đằng đông mây đen lại ùn ùn kéo đến. Chúng tôi nhìn nhau bằng ánh mắt lo lắng. Lại một đêm nữa mẹ con chị Tâm phải ướt, phải lạnh. Chúng tôi nhớ đến giọng nói nhòa trong nước mắt của bà Ngắm (mẹ chị Tâm): “Tôi chỉ mong “nhà nước” bắt mẹ con chúng nó cho vào trung tâm nào đó mà nuôi dưỡng. Gia đình tôi bất lực rồi…” Có lẽ suy nghĩ của mẹ chị Tâm cũng là suy nghĩ của nhiều người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét