- Không có điều gì cấm kỵ khi nhân dân góp ý sửa Hiến pháp - Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định với báo giới.
Tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chiều nay (29/12), ông Phan Trung Lý khẳng định: “Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.
Hiến pháp của Việt Nam các năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến nhân dân.
Lần lấy ý kiến này, bắt đầu từ 2/1 và kết thúc ngày 31/3, hướng tới tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
“Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp”, ông Lý nói.
Sau khi bản dự thảo được đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng vào ngày 2/1 tới, nhân dân được yêu cầu cho ý kiến về toàn bộ dự thảo, với các nội dung quan trọng như chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước…
Ông Phan Trung Lý (giữa): Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Phan Trung Lý cho biết bản dự thảo sắp công bố là “kết tinh của quá trình lao động, tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học, từ trung ương đến địa phương…, thông qua các đợt tổng kết thi hành Hiến pháp và các đợt lấy ý kiến, đặc biệt là ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp vừa qua”.
So với dự thảo trình QH hồi tháng 10, bản dự thảo sắp công bố có một số điều chỉnh cụ thể như thêm thiết chế Hội đồng Hiến pháp với nhiệm vụ phát hiện các vi phạm Hiến pháp, đặc biệt trong các văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh các thiết chế độc lập khác như Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Dự thảo cũng chỉ quy định chung một điều về các thành phần kinh tế,nêu tên và vị trí của mỗi thành phần, chứ không quy định cứng đối với từng thành phần.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Đảng bên cạnh vai trò đã xác định. Theo ông Phan Trung Lý, "nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".
“Mỗi lần trình và thảo luận đều có những vấn đề cụ thể được sửa đổi, nhưng những định hướng lớn, nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên”, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định.
Bản dự thảo sắp công bố cũng chỉ thể hiện một phương án đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, theo ông Lý là để “đưa ra nhân dân chính kiến của UB dự thảo”.
“Nhưng một phương án không có nghĩa là không đề cập các phương án khác, mà thực chất đã so sánh, đối chiếu với các phương án khác”, ông Lý nói. “Qua lấy ý kiến nhân dân, nếu đa số đồng ý với phương án UB chọn thì giữ lại, không thì phải nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp”.
Ông Phan Trung Lý cam kết mọi ý kiến đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình…
Ngày 8/1, sẽ có một hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, được truyền hình trực tiếp trong một ngày.
Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp hy vọng trong 3 tháng tới, nhân dân sẽ đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2013.
Chung Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét