(Kienthuc.net.vn) - Ủng hộ việc phải tránh cưới xin linh đình, lãng phí nhưng GS.TS. Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, cho rằng quy định của Hà Nội về khách mời tiệc cưới không quá 300 người là một mệnh lệnh hành chính không phù hợp, không dân chủ.
Một trong những nội dung của dự thảo Chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, vừa được Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa ra thảo luận là quy định khách mời dự tiệc ăn cưới không được quá 300 người, số mâm không quá 50, nếu tổ chức chung nhà trai nhà gái thì không được mời quá 600 khách.
Quy định này nhằm khắc phục tình trạng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên không gương mẫu đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tiệc cưới cho bản thân hoặc cho gia đình.
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, GS.TS. Phạm Đức Dương cho rằng: “Đối với những vấn đề nặng tính tập quán, cá nhân như thế này thì khó mà quy định. Những gì thuộc đời sống gia đình, cá nhân thì ra những quy định, mệnh lệnh hành chính là không phù hợp. Chúng ta cần có cách vận động dân chủ, phù hợp hơn”.
“Thực tế cuộc sống đa dạng, phải vận động nhiều chiều mới có kết quả chứ mệnh lệnh hành chính một chiều thì khó có thể có kết quả. Có nhiều việc phải ra lệnh nhưng có những việc không nên ra lệnh”.
“Nếp sống của người dân, tập tục của người dân sẽ được thực hiện theo ý thức của họ. Chúng ta chỉ có thế định hướng và vận động. Ngay như lễ hội, chúng ta cũng chỉ có thể tập trung vào định hướng, hạn chế những tiêu cực chứ không thể can thiệp quá sâu vào phong tục truyền thống”.
GS.TS. Phạm Đức Dương cũng cho rằng trên thực tế chuyện cưới xin tổ chức linh đình là chuyện vui vẻ nhưng cũng là gánh nặng. “Chúng ta cần phải ủng hộ chuyện giảm bớt vì hiện nay nó gây ra nhiều lãng phí, phiền phức.
Cưới xin hiện nay người ta vẫn gọi là trả nợ miệng. Nhiều khi nó là gánh nặng cho chính gia đình tổ chức lễ cưới và gánh nặng cho cả người đi ăn cưới. Người được mời không đi thì không tiện, trái lại không mời thì lại sợ bị trách”.
“Trước đây có những quy định tổ chức đám cưới tại UBND xã nhưng một thời gian thì lại thôi. Như tôi nhớ thì nó chỉ được thực hiện tại vùng nông thôn chứ không thấy thực hiện tại thành phố. Rồi dần dần nó không còn tồn tại trong đời sống nữa”
“Đối với việc đem các quy định cụ thể, cứng nhắc áp đặt vào cuộc sống sẽ gây ra nhiều điều bất cập. Khách tới dự đám cưới mà quá số người thì gia chủ đuổi khách về để làm đúng quy định, hay buộc phải vi phạm, chịu phạt để lễ cưới được suôn sẻ?”
“Đây là một câu chuyện rất nan giải vì nếp sống của người dân là theo số đông. Có lẽ định hướng, vận động tuyên truyền khó quá thì ra chỉ thị dễ hơn”, GS.TS. Phạm Đức Dương bình luận.
Vũ Chương
Nguồn:Kienthuc.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng một nhận xét