theo dõi

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Biểu tình chống Nhật: ‘Dao hai lưỡi’ với TQ


Lời bàn:Cứ để cho biểu tình diễn tiếp đến khi chính quyền không trấn áp nỗi thì sẽ có "phim hay" xem, mạnh lên nhé anh em
(ĐVO) Xét theo khía cạnh nào đó, Bắc Kinh có thể hài lòng khi thấy tình cảm yêu nước dâng cao trong dân chúng. Nhưng trên thực tế, các cuộc biểu tình chống Nhật biến thành bạo loạn lại khiến cho ban lãnh đạo Trung Quốc lâm vào tình thế “tiến, thoái lưỡng nan”.
Các cuộc biểu tình chống Nhật biến thành cướp phá. Ảnh AFP

Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản có thể giúp chuyển hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi kinh tế suy giảm và về nhiều vấn đề nổi cộm khác trong nước. Các cuộc biểu tình này cũng có thể hậu thuẫn Bắc Kinh theo đuổi lập trường cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và các nước láng giềng khác. Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ hữu ích - với điều kiện các cuộc biểu tình đường phố xuất phát từ tinh thần yêu nước chân chính, có chừng mực, hòa bình và tôn trọng pháp luật.
Thật không may, các cuộc biểu tình cuối tuần qua ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc lại rất… bạo lực. Thậm chí, những người biểu tình còn chĩa mũi dùi tức giận vào chính phủ và quân đội Trung Quốc, bị cho là "quá mềm yếu" trong tranh chấp lãnh thổ với các nước khác.
Biểu tình biến thành bạo lực đã xảy ra ở các thành phố lớn như Thâm Quyến, Quảng Châu và Đông Quan (Quảng Đông), Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam), Tây An (thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây), Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông).
Xe thương hiệu Nhật Bản bị đập phá ở Tây An. Ảnh EPA

Ở Tây An ngày 15/9, gần 10.000 người biểu tình đã xông vào một khách sạn 4 sao, đập phá đồ đạc vì cái tội… chứa chấp du khách Nhật Bản. Trên đường đi, họ còn đập phá các cửa hàng bán điện thoại di động thương hiệu Nhật Bản và nhà hàng Nhật Bản cùng với hơn một chục chiếc xe thương hiệu Nhật Bản.
Những người biểu tình đốt cháy một cửa hàng của Toyota Motor Co. 
Ảnh chinadigitaltimes.com

Tại Thanh Đảo, những người biểu tình đốt cháy một cửa hàng bán lẻ của Guangzhou Toyota Motor Co.
Ở Trường Sa, những người biểu tình đã tấn công và cướp phá một cửa hàng Nhật Bản, mặc dù cửa hàng này đã đóng cửa để tránh rắc rối. Tất cả mọi thứ có giá trị như đồng hồ Rolex, hàng hiệu Gucci đều bị cướp bóc.
Tại Thâm Quyến, hơn 10.000 biểu tình chống Nhật Bản ngày 16/9 hóa ra bạo lực nhất. Chính quyền Thâm Quyến đã cử cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình quay sang tấn công cảnh sát. Cảnh sát chống bạo động đã tìm cách giải tán đám đông bằng hơi cay và vòi rồng, nhưng một số người biểu tình nhặt lựu đạn hơi cay và ném trả cảnh sát.
Những người biểu tình nhặt lựu đạn cay ném trả cảnh sát chống bạo động. 
Ảnh ktvu.com

Trớ trêu là nhiều sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản lại được sản xuất ở Trung Quốc. Có tới 90% xe ô tô "thương hiệu Nhật Bản" được sản xuất tại Trung Quốc. "Tẩy chay hàng hóa Nhật Bản" sẽ chỉ khiến cho nhiều công nhân Trung Quốc mất việc làm. Do đó, người Trung Quốc “tẩy chay hàng hóa Nhật Bản” xem ra là  một chiến thuật ngu ngốc: làm tổn thương kẻ thù bằng cách tự bắn vào chân mình.
Sau các cuộc biểu tình bạo lực cuối tuần qua, Canon - tập đoàn đa quốc gia hàng đầu Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm quang học và thu hình – ngày 17/9 đã thông báo  sẽ đình chỉ hoạt động 3 trong số 4 nhà máy ở Trung Quốc. Hãng điện tử khổng lồ Panasonic cũng thông báo tạm thời đóng cửa một số nhà máy ở Trung Quốc. Nhiều  nhà đầu tư Nhật Bản đang tính chuyện rút khỏi Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản biến thành bạo loạn cuối tuần qua đã khiến cho giới trí thức Trung Quốc cảm thấy lo ngại. Giáo sư Hu Xingdou của Viện Công nghệ Bắc Kinh nói rằng các cuộc bạo loạn xảy ra là do trình độ yếu kém của công dân trong xã hội Trung Quốc.
Giáo sư Hu Xingdou nói với tờ “Minh báo” (Hong Kong): “Ở Trung Quốc, dân chúng ta hoặc ngoan ngoãn vâng lời hoặc nổi loạn. Họ không phải là công dân thực thụ. Đám đông thiếu nhận thức về quyền công dân nói chung. Vì vậy, họ có thể dễ dàng bị chủ nghĩa dân tộc cực đoan chi phối và hành động như những kẻ côn đồ”. Ông cũng đổ lỗi cho các cơ quan hữu trách “lơ là nhiệm vụ”, không ngăn chặn được các cuộc bạo loạn.
Dù sao đi chăng nữa, bạo loạn cũng đã hủy hoại tính hợp pháp của các cuộc biểu tình chống Nhật Bản, khiến cho dân tộc Trung Hoa xấu hổ và bôi nhọ hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” mà Bắc Kinh đã cố tình đánh bóng.
Quyền lợi của những người dân vô tội đã bị xâm phạm và tài sản của họ bị hủy hoại. Chính phủ Trung Quốc cần  tiến hành các cuộc điều tra và trừng phạt những kẻ phạm tội cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để bạo lực tương tự xảy ra một lần nữa. Lòng yêu nước không được phép bị sử dụng như một tấm bình phong để che đậy tội ác.
Đáng lưu ý là chủ nghĩa yêu nước thái quá có thể dễ dàng biến thành chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Nó là con dao hai lưỡi. Ở Thâm Quyến, tình cảm chống Nhật Bản đã biến thành hành động chống lại các cơ quan công quyền Trung Quốc.
Nếu làn sóng chống Nhật kiểu này tiếp tục dâng lên, chính phủ Trung Quốc sẽ phải lựa chọn một trong hai giải pháp: hoặc phải trấn áp các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn hoặc để cho “ý nguyện của quần chúng” bắt cóc chính sách đối ngoại làm con tin, dẫn đến xung đột quân sự với Nhật Bản... và sau đó với các nước láng giềng khác.
Chắc chắn, cả hai sự lựa chọn này đều bất lợi đối với những người cộng sản Trung Quốc, đặc biệt vào thời kỳ chuyển giao quyền lực vốn đã vô cùng nhạy cảm hiện nay./.

 
Minh Bích (theo Asia Times Online)
Nguồn: Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng một nhận xét